Việt Nam có thoát được nguy cơ thao túng tiền tệ?

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Việt Nam chưa có khả năng bị gắn mác thao túng tiền tệ, mà vẫn nằm trong danh sách theo dõi những nước có nguy cơ thao túng tiền tệ trong những đợt rà soát tới của Mỹ.

Mỹ đặt ra ba tiêu chí để một nước bị gắn mác thao túng tiền tệ là ngưỡng thặng dư thương mại trên 20 tỉ USD; thặng dư cán cân thanh toán 2% GDP và thời gian mua ngoại tệ ròng liên tục trong vòng sáu tháng.

KBSV cho rằng đối với thặng dư thương mại với Mỹ, Việt Nam khó có thể giảm mức độ thặng dư thương mại với Mỹ trong ngắn hạn. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam cùng với việc hàng hóa Việt Nam dần thay thế hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ khiến thặng dư thương mại với Mỹ nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo KBSV, nếu Việt Nam kiểm soát tốt tình trạng này, nhập siêu của Việt Nam với Mỹ trong thời gian tới dù sẽ tăng nhưng tốc độ có thể chậm lại so với nửa đầu năm 2019. 

Đối với việc can thiệp thị trường ngoại hối, Việt Nam sẽ tiếp tục đáp ứng tiêu chí này bởi khối lượng mua ròng (từ tháng 7-2018 đến tháng 6-2019) dưới 1% của GDP do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán USD trong nửa cuối năm 2018 để điều tiết tiền đồng không bị mất giá quá mạnh.

KBSV cũng cho rằng NHNN sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để bán ngoại tệ, vừa giúp ổn định tỉ giá dưới mức mục tiêu 3% đầu năm cũng như giúp Việt Nam tránh vi phạm quy định mua ròng dưới 2% của Mỹ.

Ngoài ra, kể cả trong trường hợp không bán bớt dự trữ ngoại hối, Việt Nam vẫn còn một bước đệm sau cùng là khoảng thời gian mua ròng liên tiếp không quá sáu tháng…

Trước đó, hồi cuối tháng 5-2019, Việt Nam lọt vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát của Mỹ cùng với tám quốc gia khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ailen, Singapore, Malaysia nhưng hiện chưa có nước nào bị coi là thao túng tiền tệ.

Sau đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết ngày 29-5-2019, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô thương mại và tỉ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Mỹ và có đưa ra danh sách chín quốc gia theo dõi, giám sát trong đó có Việt Nam.

Theo quy định của phía Mỹ thì có ba tiêu chí để đánh giá các quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Mỹ: Thứ nhất, có thặng dư thương mại đối với Mỹ trên 20 tỉ USD; thứ hai, có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP; thứ ba, có can thiệp ngoại hối một chiều, tức mua ròng ngoại tệ trong vòng sáu tháng liên tục khoảng 2% GDP.

Nhìn vào ba tiêu chí trên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Việt Nam thỏa mãn hai tiêu chí của phía Mỹ, tức chúng ta có thặng dư thương mại với Mỹ lớn hơn 20 tỉ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP, còn về can thiệp ngoại hối một chiều thì chúng ta thấp hơn ngưỡng phía Mỹ đưa ra.

“Báo cáo của phía Mỹ đưa ra cũng có kết luận là không có quốc gia nào trong danh sách này thực hiện thao túng tiền tệ” - Thống đốc nói và nhấn mạnh: Chúng ta cũng khẳng định với đối tác Mỹ rằng chúng ta điều hành chính sách là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chúng ta không dùng những chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ, tỉ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng.

“Trong thời gian tới, trong chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN tiếp tục cùng các bộ, ngành trao đổi, cung cấp thông tin cần thiết cho phía đối tác Mỹ để làm rõ những định hướng điều hành của chúng ta cũng như diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, cũng như tình hình diễn biến cán cân vãng lai, thương mại, đầu tư của chúng ta với phía Mỹ” - Thống đốc nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm