'Tại sao tự hào là nước nông nghiệp mà bắp, đậu...phải nhập?'

Sáng 26-10, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT với các “vua nông sản” khu vực phía Nam. Buổi đối thoại được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối từ TP.HCM, Hà Nội và các DN.

Đầu vào tăng, đầu ra giảm

Với chủ đề “Khôi phục và phát triển chuỗi nông sản”, buổi đối thoại đã ghi nhận lại nhiều cách làm hay của DN để vượt qua đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. Cạnh đó, các diễn giả, các “vua nông sản” cũng bày tỏ tâm tư nguyện vọng và hiến kế với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Quang cảnh buổi đối thoại trực tiếp do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc công ty CP Ba Huân cho hay, cũng như nhiều DN khác, trong đợt dịch vừa qua DN của bà gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, chi phí sản xuất tăng cao hơn, trong khi mức tiêu thụ có thời điểm lại rất thấp, thậm chí phải bán khuyến mãi “một tặng một” giữa mùa dịch COVID-19. Thế nhưng, DN vẫn nỗ lực sản xuất và cung cấp sản phẩm với giá cả bình ổn cho người dân.

“Tôi làm nghề 52 năm, dịch cúm gia cầm năm 2003 có tổn thất, có nguy hiểm công ty chúng tôi vượt qua được, nhưng với đại dịch COVID-19 kỳ này kinh doanh ngành trứng cực kỳ khó khăn. May mắn khi mới bắt đầu thực hiện giãn cách, chúng tôi thực hiện ba tại chỗ nên không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, quyết tâm bình ổn giá thị trường cho người lao động, người dân nghèo.

Trong đợt dịch, nhờ sự hỗ trợ của Bộ nên lưu thông hàng hóa chúng tôi rất thuận lợi không gặp vấn đề khó khăn, tuy nhiên vấn đề lớn nhất là thị trưởng tiêu thụ, không có người mua” - bà Huân kể.

Cũng theo bà Huân, hiện nay, hầu như vật giá đầu vào từ bao bì, nguồn nguyên liệu, thức ăn tăng 20-30%, thậm chí 40-50%. Ngược lại, gián sản phẩm đầu ra như thịt gà, trứng lại giảm sâu. Từ thực tế đó, bà Huân kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tìm giải pháp giúp cho các DN.

Chia sẻ về thời gian khó khăn trong đợt dịch thứ tư, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT công ty CP thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng), cho biết DN của ông cũng thực hiện ba tại chỗ để sản xuất.

Theo ông Lực, DN đã có những nhận định kịp thời để chuẩn bị các phương án, kịch bản ứng phó với dịch phù hợp và hiệu quả. Cụ thể, ngay từ đầu năm, công ty đã thu thập thông tin và phân tích những tác hại của dịch bệnh COVID-19. Từ đó, đầu tháng 7, khi tỉnh Long An triển khai ba tại chỗ thì tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa có ca mắc, dù vậy, DN đã họp để triển khai tất cả các phương án để tổ chức sản xuất.

“Cái khó nhất lúc đó là không có chỗ trống, chúng tôi đã phải dọn dẹp kho hàng, hội trường... để thành lập nơi ở dã chiến cho người lao động. Trước khi thực hiện ba tại chỗ, chúng tôi đã tập kết rất nhiều thiết bị test kháng nguyên, đồng thời mạnh dạn trang bị một máy xét nghiệm RT-PCR với công suất khá lớn. Do đó, ngay từ đầu triển khai công ty đã kiểm tra toàn bộ công nhân và thực hiện các đợt tầm soát sau đó trên nền tảng chu đáo, an toàn” - ông Lực tiết lộ.

Ông Lực cũng cho hay, trong thời gian đợt dịch thức tư bùng phát, DN luôn xem nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ then chốt, cạnh đó là quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; đồng thời, thường xuyên rà soát các yếu tố có thể tạo ra nguy cơ để dịch bệnh có thể len vào bên trong. Do đó, công ty đã đạt được kết quả tốt trong việc sản xuất theo phương án ba tại chỗ. 

Phải thích nghi và nghĩ khác

Sau khi nghe các “vua nông sản” khu vực phía Nam và các diễn giả chia sẻ, trình bày tâm tư, nguyện vọng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhắc đến khái niệm VUCA, đó là biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Từ đó, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh phải thích nghi trong bối cảnh thay đổi liên tục, cần phải nghĩ khác.

Buổi đối thoại được kết nối trực tuyến, tại đầu cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tham dự.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh khó khăn, đừng ai nghĩ mình lúc nào cũng "nắm cán", nghĩa là đừng nghĩ lúc nào mình cũng thành công hay chiến thắng… Thay vào đó, bắt buộc phải ẩn mình một chút để chuẩn bị lại và vươn lên.

“Trước khi muốn làm ra tiền phải làm ra việc, trước khi làm ra việc phải làm ra người, đây là triết lý tôi cảm thấy đúng. Đây cũng là sự gửi gắm tấm lòng của Bộ trưởng đối với các DN và tôi nghĩ rằng các DN của chúng ta sẽ vượt qua đại dịch một cách mạnh mẽ mặc dù vẫn còn không ít những nặng lòng” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT gửi gắm.

Nói về câu chuyện đứt gãy chuỗi toàn cầu, Bộ trưởng cho biết đây là câu hỏi đau đáu nhiều năm của ông. Câu hỏi đó chính là: Tại sao một đất nước nông nghiệp, tự hào là nước nông nghiệp mà bắp cũng phải nhập, đậu nành cũng phải nhập để làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản? 

Còn đối với câu hỏi về gói hỗ trợ cho nông dân nhỏ lẻ, Bộ trưởng Bộ  NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết Bộ đang xây dựng và phân loại các gói hỗ trợ về nông nghiệp để kiến nghị Chính phủ. Riêng về câu chuyện đang tồn tại của nền nông nghiệp Việt Nam là công nghệ giống chậm hơn các nước, ông Lê Minh Hoan thông tin thời gian tới sẽ mở rộng hợp tác "công - tư", mời các DN tham gia vào nghiên cứu nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu giống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm