Tài xế chở F0 tại TP.HCM: 'Họ đã sống vì người khác'

Sáng 30-1, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức họp mặt tri ân các cá nhân, đơn vị tiêu biểu tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh COVID-19.
Tại buổi họp mặt, các tài xế lái xe cứu thương chở F0 tới bệnh viện ở giai đoạn cao điểm phòng chống dịch COVID-19 đã kể lại những khoảnh khắc không muốn nhớ nhưng chẳng thể nào quên.

Tài xế Đặng Xuân Tùng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh, chia sẻ tại buổi tri ân. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

"Biết họ cảm ơn nhầm nhưng vẫn rưng rưng xúc động"

Tài xế Phạm Phương Bá, Bệnh viện Chợ Rẫy tâm sự, khó khăn thì công việc nào cũng có khó khăn, nhưng một khi đã chọn nghề lái xe cứu thương thì cần cố gắng, nhất là trong lúc xảy ra đại dịch COVID-19.
Kể về những ngày tháng chở F0 đến bệnh viện, tài xế Phương nói: “Lo lắng thì có, nhưng sợ thì không”. Bởi theo anh, bệnh viện đã tập huấn rất kỹ kiến thức và kỹ năng cho các lái xe chở người bệnh. “Tôi cũng giải thích với gia đình, bà xã và các con tôi đều ủng hộ, động viên. Con tôi còn nói “Bố cứ đi làm”, nên tôi yên tâm nhiều” – anh Phương kể lại.
Còn tài xế Đặng Xuân Tùng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh, lại nhớ về kỷ niệm khi chở bệnh nhân tới bệnh viện dã chiến trong đợt cao điểm phòng chống dịch. Anh kể, khi người nhà bệnh nhân thấy anh mặc đồ bảo hộ đã tưởng anh là bác sĩ và cúi đầu cảm ơn. “Tôi biết là họ cảm ơn nhầm nhưng lòng tôi vẫn rưng rưng cảm giác xúc động” – anh Tùng chia sẻ.
Theo anh Tùng, suốt 3-4 tháng, anh chưa có một giấc ngủ yên lành, có khi 4 giờ sáng có cuộc gọi cấp cứu là anh lại lên đường, nhiều ngày đi từ sáng tới đêm. “Có những khi gặp bệnh nhân nặng 100 kg, ở trên lầu 3 nhưng mệt mỏi không cử động được, tôi đã không nề hà mà cùng nhóm khiêng bệnh nhân từ trên lầu xuống, đưa đi cấp cứu” – anh Tùng kể lại.
“Tôi có cơ hội giúp người dân được tiếp tục sống, thế là tôi cứ làm, không còn khó khăn nào ngăn trở nữa” – anh Tùng chia sẻ và cho biết chính hình ảnh hai đứa con đã thôi thúc anh gượng dậy những lúc mệt mỏi.

Xin nghiêng mình trước những người vận chuyển bệnh nhân COVID-19

Lắng nghe những câu chuyện mà những người tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh COVID-19 kể lại, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên xúc động đề nghị tất cả các đại biểu cùng dành những giây phút lắng đọng nhất để tưởng nhớ những người đã mất, trong đó có lái xe Phan Thành Minh Nhựt của Bệnh viện Nhi đồng 1.
Riêng đối với câu chuyện của tài xế Đặng Xuân Tùng khi người nhà bệnh nhân “cảm ơn nhầm” vì tưởng là bác sĩ, ông Nên cho rằng đó không phải người nhà bệnh nhân cúi đầu “cảm ơn nhầm” tới anh Tùng vì tưởng anh là bác sĩ, mà đó là lời cảm ơn chân thành của gia đình tới anh Tùng cùng cả nhóm đã tới cứu giúp kịp thời trong lúc người dân mong mỏi.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi tri ân. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Theo ông Nên, những câu chuyện của các tài xế nói về những kỷ niệm, “đó là những ấn tượng rất mộc mạc, rất đơn sơ nhưng vô cùng phi thường và vĩ đại. Họ đã nghĩ và làm rất nhiều điều quan trọng, cứu được bao nhiêu người”.

“Chúng ta nghe kể về những kỷ niệm của người vận chuyển. Kỷ niệm sâu sắc nhất của họ là chở được nhiều người, nghe thoáng qua thì tưởng bình thường nhưng mỗi lần chở là mỗi lần cứu người. Chở được nhiều người đồng nghĩa cứu được nhiều người" – ông Nên nói.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cho rằng với đạo đức nghề nghiệp, với lương tâm và bổn phận làm người, mà bao người chiến sĩ lái xe đã không hề do dự, không hề né tránh và họ đã chọn lựa sự mạo hiểm, có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. “Nhiều người đã từng làm thay chức năng bác sĩ, tư vấn tâm lý và thân nhân để chăm sóc, chia sẻ, hỗ trợ người bệnh lúc cô đơn, lo lắng, hoang mang chưa biết điều gì sẽ xảy ra” – ông Nên chia sẻ.
Theo ông Nên, nhiều tài xế không may bị phơi nhiễm, sau khi điều trị đã xin trở lại tiếp tục ngồi sau tay lái, tiếp tục âm thầm, cùng đoàn quân có mặt khắp nẻo đường, trên từng cây số, lặng lẽ suốt ngày đêm. “Các tài xế đã nỗ lực, kiên nhẫn, chịu đựng chờ đợi từng cuộc gọi điện thoại để cứu người như chờ tin tức của chính người thân của mình” – ông Nên nói.
Có những lúc người nhà bệnh nhân bức xúc, thậm chí trút cả lời lẽ, thái độ không đúng đối với tài xế, nhưng các tài xế đã thấu hiểu niềm đau trong cơn nóng giận, xem đó là điều cần chia sẻ. Ông cho rằng, chính sự thấu hiểu, chia sẻ đó đã giúp các tài xế vượt qua khó khăn trở ngại đời thường và tiếp tục chở người đến bệnh viện cấp cứu.
Bí thư Thành ủy khẳng định, Đảng bộ và nhân dân TP.HCM trân trọng tri ân tất cả các chiến sĩ lái xe kiên cường, quả cảm, đã cống hiến và góp phần rất quan trọng trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua.
“Tôi cũng xin được thay mặt cho hàng trăm ngàn gia đình bị mắc COVID-19, tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ dũng cảm đã nỗ lực tối đa để bằng mọi cách sẻ chia, hỗ trợ, cứu giúp mình và người thân của mình trong cơn hoạn nạn, hiểm nghèo” – ông Nên nói.
Theo ông Nên, khi chúng ta tìm được những giây phút bình yên, khi tiếng còi cấp cứu không còn là nỗi ám ảnh đối với chúng ta nữa, thì càng nhớ công ơn những người đã giúp thành phố vượt qua những ngày tháng cam go, thử thách. “Với tất cả sự ngưỡng mộ và lòng tri ân sâu sắc, tôi xin nghiêng mình trước những cống hiến, hy sinh thầm lặng mà cao cả của các chiến sĩ dũng cảm lái xe cứu người vượt qua đại dịch” – ông Nên xúc động.
Nhiều hãng xe khách hoán cải thành xe cứu thương
Chia sẻ về công tác phòng chống dịch của lực lượng tài xế lái xe cứu thương, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, cho biết trong đợt dịch lần thứ 4, trung bình Trung tâm tiếp nhận 4.000 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày, gấp hơn 30 lần so với ngày thường.
“Trong tâm trạng hoang mang, hoảng loạn, thậm chí tuyệt vọng của người dân, đôi khi anh em cũng muốn gục ngã. Có lúc người dân gọi điện tới năn nỉ, thậm chí trách mắng, có cuộc gọi chỉ có tiếng khóc. Anh em nghe điện thoại cấp cứu cũng rất áp lực” - bác sĩ Long nói.
Theo ông Long, anh em cấp cứu ngoại viện trên những xe cứu thương hầu như không ngủ nhưng vẫn không đáp ứng kịp và sự thiếu hụt nhân sự trong công tác vận chuyển cấp cứu người bệnh đã ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Ngày 23-6-2021, Trung tâm cấp cứu 115 đăng tin về việc cần tình nguyện viên cho hoạt động cấp cứu ngoại viện. Do vậy, rất nhiều tình nguyện viên trên khắp cả nước đã đăng ký tham gia, cùng chia sẻ khó khăn với người dân TP.HCM.
Trong đó, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang đã hoán cải 260 xe khách thành 260 xe cứu thương cơ bản cùng lực lượng tài xế tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh F0.
Tương tự, biệt đội taxi cấp cứu Mai Linh ra đời với hơn 100 xe được hoán cải với hơn 100 tài xế và 212 tình nguyện viên.
 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.