Tài xế 'mù luật' và tai nạn giao thông

(PLO)- Các tài xế mù luật, không biết luật, yếu kém thực hành điều khiển ô tô trên đường như những quả bom nổ chậm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho chính họ và cho mọi người chung quanh.

Là giáo viên dạy thực hành lái xe hơn 10 năm ở Tây Nguyên, tôi khẳng định việc gian lận trong thi lý thuyết lái xe đã có từ lâu với hàng tá lý do để tồn tại, trong đó có chuyện cạnh tranh ở các cơ sở đào tạo lái xe.

Chẳng hạn ở Đắk Lắk hiện có 10 cơ sở đào tạo lái xe, trong đó có ba trung tâm được phép tổ chức thi sát hạch lái xe các hạng. Phần lớn các trung tâm đào tạo lái xe liên kết, hợp tác và các giáo viên đầu tư xe hoặc được đầu tư, thuê người giảng dạy.

Ở một số trung tâm, họ khuyến khích cán bộ, công nhân viên, giáo viên tự quảng cáo, tự tuyển sinh và có tiền hoa hồng. Do đó, ngấm ngầm có một cuộc cạnh tranh khốc liệt về tuyển học viên đầu vào giữa các trường, giữa các giáo viên và việc “bao đậu lý thuyết” thành mồi nhử để lôi kéo học viên.

Việc áp dụng các thiết bị công nghệ cao để bao đậu lý thuyết ở các trung tâm đào tạo lái xe tại Tây Nguyên chưa thấy hoặc chưa bị phát hiện nhưng không phải không có mà nó theo phương thức “cổ điển” hơn: Các giáo viên sẽ gửi danh sách các cặp đôi hoặc cặp ba cho giám khảo để giám khảo gọi tên thí sinh vào phòng thi. Các cặp đôi, cặp ba được xếp ngồi ở các máy vi tính sát nhau để chỉ bài cho nhau. Cặp đôi là một học viên làm được lý thuyết kèm học viên được bao đậu. Cặp ba là một học viên giỏi sẽ được bố trí ngồi giữa để chỉ bài cho hai người ngồi kế bên.

Chiêu thức này rất khó phát hiện hoặc kiểm tra camera nếu thấy học viên chỉ nhau thì vẫn thấy giám thị nhắc nhở nhưng rất khó lập biên bản vi phạm quy chế thi.

Thực tế, những học viên học tốt phần lý thuyết bao giờ cũng tự tin, tiếp thu nhanh hơn khi thực hành. Những người không học nghiêm túc, “mù” phần lý thuyết mà có bằng lái thì nguy cơ gây tai nạn cho chính mình và cho người khác rất lớn.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hữu hiệu nhằm ngăn chặn, hạn chế thực trạng này, cũng là góp phần ngăn tai nạn giao thông. Có thể kể đến như chấm dứt tình trạng “chạy” giấy khám sức khỏe; thanh lọc, tuyển chọn những giáo viên thực sự có trình độ, có tâm, có đức.

Kế đến là mạnh tay với các cơ sở đào tạo như tạm dừng hoặc dừng vĩnh viễn các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện, để xảy ra vi phạm...

Đừng để các tài xế mù luật, không biết luật, yếu kém thực hành điều khiển xe trên đường cũng là cách góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới