Tâm lý 'ai rồi cũng F0': Lợi bất cập hại!

Trong bối cảnh phần lớn dân số đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và tâm lý "ai rồi cũng F0" đang lan rộng, một số người đang cố tình để mình bị nhiễm COVID-19 nhằm tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Tâm lý "ai rồi cũng F0"

Theo kênh ABC (Úc), Marry (tên các nhân vật đã được thay đổi) là một chuyên gia tổ chức đám cưới ở Brisbane. Sau khi phát hiện con gái mình mắc COVID-19 và đang được cách ly ở một vùng ngoại ô, cô đã nghĩ đến việc đến "thăm" con.

"Tất cả chúng ta sớm muộn gì cũng sẽ nhiễm COVID-19, nên nếu tôi có thể điều khiển được nó, tôi muốn nó tuân theo ý tôi" - cô nói.

Ảnh mô phỏng virus SARS-CoV-2. Ảnh: SHUTTERSTOCK

"Nói tôi điên rồ cũng được, như tôi muốn được làm việc. Doanh nghiệp của tôi đã phải chịu đựng quá nhiều yêu cầu hủy hợp đồng do COVID-19" - cô nói.

Tuy nhiên, Marry không phải là người duy nhất, Dave (39 tuổi) cũng đang cố gắng để mình được nhiễm COVID-19 bằng cách đi dự tiệc, hộp đêm và tập gym.

"Là một chủ doanh nghiệp tư nhân, tôi có thời gian nghỉ lễ hạn chế và cần phải có mặt để phục vụ khách hàng và kiếm sống" - anh nói.

"Việc chủ động nhiễm COVID-19 vào đầu năm mới rất có ý nghĩa. Lúc này, hầu hết khách hàng của tôi đi vắng. Nó có nghĩa là tôi có thể mắc bệnh trong thời gian này và sẵn sàng làm việc sau khi bình phục" - anh nói.

Tại sao có tâm lý này?

Theo tổ chức WebMD, nhiều người đang hiểu sai nghĩa từ "nhẹ hơn" khi nói "Omicron nhẹ hơn biến thể Delta".

Nếu bạn chưa được chủng ngừa hoặc tiêm chủng không đầy đủ và bị nhiễm biến thể Omicron - có các triệu chứng nhẹ hơn so với Delta, bạn vẫn có thể bị ốm nặng và tử vong, theo WebMD.

Ông Greg Poland - Giáo sư y khoa và các bệnh truyền nhiễm tại ĐH Y khoa và Khoa học Mayo Clinic ở Rochester (Mỹ) cho biết, một suy nghĩ sai lầm khác đang cho rằng các chuyên gia đã biết mọi thứ cần biết về Omicron.

Để chứng minh khoa học chưa biết tất cả về COVID-19, ông trích dẫn các nghiên cứu gần đây, chẳng hạn như nghiên cứu mới được công bố từ CDC cho thấy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn sau khi trẻ em bị nhiễm COVID-19.

Việc cố tình mắc COVID-19 là vô nghĩa

Vậy điều này có nên không?

Không có gì ngạc nhiên khi các nhà dịch tễ học và các chuyên gia đang ra sức phản đối phương pháp "miễn dịch tự nhiên" này.

Câu trả lời chắc chắn là "không" - Phó giáo sư David Lye thuộc Trung tâm Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm Singapore (NCID) cho biết.

Theo PGS Lye, mặc dù tiêm chủng làm giảm các tác dụng phụ lâu dài của bệnh, nhưng nó không loại bỏ chúng hoàn toàn, tờ The Straits Times đưa tin.

Bên cạnh đó, người lớn tuổi và những người có khả năng miễn dịch kém khi mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị ốm nặng, mặc dù biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với Delta.

Bên trong một phòng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Úc. Ảnh: ABC

Theo PGS Lye, khi những người tự lây nhiễm COVID-19 chuyển bệnh nặng và phải nhập viện, những bệnh nhân khác sẽ phải di chuyển đến các khu vực khác và cũng bị ảnh hưởng.

"Omicron thực sự là một điều tốt lành hơn so với Delta, nhưng chưa phải lúc để mở 'một đại tiệc Omicron'. Tình hình đã lạc quan hơn rất nhiều vào năm 2022, nhưng nó vẫn sẽ ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương" - ông nói.

Chuyên gia Stuart Turville - PGS về miễn dịch học tại Viện Kirby đánh giá việc cố gắng để mình bị nhiễm COVID-19 là một điều vô nghĩa như thể "lái xe vòng quanh nước Úc, hoặc tập bơi trong các hồ nước có thể có hoặc không có cá sấu", theo ABC.

Theo Tiến sĩ Turville, các nguy cơ - bao gồm khả năng mắc di chứng hậu COVID-19 hoặc trở bệnh nặng hơn dự tính - vẫn có thể xảy ra, và nó không đáng để mạo hiểm.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn 'theo đuổi' Omicron nhưng sau đó lại mắc một biến thể khác nguy hiểm hơn nhiều?" - ông nói.

Ông cũng cảnh báo về sự xuất hiện của các biến thể mới trong tương lai, đồng thời lưu ý rằng y học vẫn chưa biết hết các "tác động lâu dài của việc nhiễm biến thể Omicron hoặc các biến thể khác".

Các nhà khoa học cũng cảnh báo những người từng mắc biến thể Omicron vẫn có khả năng tái nhiễm. Hiện ở châu Âu đã có các báo cáo về việc một số trường hợp tử vong sau khi cố ý nhiễm COVID-19.

Cách phòng bệnh tốt nhất là gì?

Theo nhà dịch tễ học Raina MacIntyre - Giáo sư về an toàn sinh học toàn cầu tại ĐH New South Wales, chỉ có vaccine mới có thể cung cấp khả năng miễn dịch cộng đồng. Việc cố ý lây nhiễm cho bản thân không chỉ là khoa học tạp nham - nó rất nguy hiểm.

"Hãy tiêm vaccine liều thứ ba càng sớm càng tốt và tiếp tục đeo khẩu trang" - chuyên gia MacIntyre nói.

Theo chuyên gia Poland: "Có thể có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn và tỷ lệ phơi nhiễm cao, nhưng những người được tiêm chủng và đeo khẩu trang có thể tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm bệnh".

Tiến sĩ Omai B. Garner - giám đốc vi sinh lâm sàng của Hệ thống Y tế UCLA ở California cũng khuyến cáo mọi người nên thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ thể. Điều này sẽ giúp bảo vệ không chỉ bản thân mà còn giảm được nguy cơ đối với những người có cơ địa không tốt hoặc chưa được tiêm vaccine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới