Sau khi được trả tự do, những năm đầu, ông Hải phải nằm một chỗ, khi gượng dậy làm được chút việc thì sức khỏe kém cứ nhớ đó quên đó, rồi vất vả mưu sinh vì đói nghèo, hiểu biết pháp luật có hạn, lại không ai giúp, không ai chỉ vẽ cho ông biết cách làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho kịp thời hiệu. Nay ông chỉ mong được công khai xin lỗi trước bà con lối xóm để không còn mang tiếng là kẻ giết người, để con cháu khỏi bị điều tiếng mà cũng không được.
Trước mắt, tôi đồng ý với ý kiến cho rằng TAND tỉnh Bến Tre nên sửa sai cho quá khứ bằng cách linh hoạt tổ chức xin lỗi công khai ông Hải tại nơi ông sinh sống như đúng nguyện vọng của ông. Nên coi trường hợp của ông Hải là trường hợp cá biệt, có lý do chính đáng vì ông sống ở vùng nông thôn, không biết được những văn bản pháp luật của Nhà nước để yêu cầu xin lỗi, bồi thường. Nếu băn khoăn hay sợ trách nhiệm thì tòa nên báo cáo về TAND Tối cao và Quốc hội trước khi tổ chức xin lỗi cho ông.
Về lâu dài, khi mà nhiều đạo luật quan trọng như BLDS 2015, BLTTDS 2015 đã không còn quy định về thời hiệu khởi kiện nữa thì Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi cũng cần bỏ quy định người làm oan phải làm đơn yêu cầu, đồng thời bỏ luôn quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường đối với người bị oan. Bởi đúng ra, nếu vì dân thì ngay từ khi có Nghị quyết 388 năm 2003 và sau này là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan tố tụng phải rà soát xem ở địa phương mình, đơn vị mình có bao nhiêu trường hợp bị oan thuộc diện phải bồi thường, đồng thời thông báo cho người bị oan biết để họ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Nếu đã thông báo mà người bị oan không yêu cầu bồi thường thì phải lập biên bản hoặc bằng một hình thức nào đó để tránh sót lọt như trường hợp của ông Hải. Nếu TAND tỉnh Bến Tre làm được như vậy, chắc chắn ông Hải không phải ngậm ngùi mấy chục năm qua!
Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao