Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Đáng quan tâm, bộ này đề xuất tăng trần vé máy bay đối với một số đường bay chặng dài.
Cụ thể, khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km đề xuất mức giá tối đa từ 3,2 triệu đồng/vé một chiều lên 3,4 triệu đồng, tăng 200.000 đồng. Với đường bay 1.280 km trở lên được đề xuất tăng từ 3,7 triệu đồng/vé một chiều lên 4 triệu đồng, tăng 250.000 đồng.
|
Với các chuyến bay đường dài, hành khách sẽ phải bỏ tiền nhiều hơn. Ảnh: P.ĐIỀN |
Đường bay dài ảnh hưởng
Bà Nguyễn Thanh Hằng, Giám đốc điều hành du lịch hàng không Công ty TNHH Dòng chảy công nghệ TECHSTREAM, cho rằng các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có sự điều chỉnh về giá khi chi phí đầu vào thay đổi. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá trần đối với các đường bay dài cần tính toán kỹ bởi các hãng bay muốn đẩy doanh số thay vì giữ giá ổn định để kích thích khách đi lại đông đúc trên đường bay vàng Hà Nội - TP.HCM.
Bà Hằng phân tích người tiêu dùng và doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng khi giá trần tăng và mỗi một chủ thể chịu ảnh hưởng khác nhau. Cụ thể, lượng khách lẻ (cá nhân, nhóm bạn, gia đình) đi lại bằng máy bay chiếm khoảng 30%, dù không lớn nhưng khi giá vé tăng buộc họ thắt chặt chi tiêu, hạn chế đi lại. Còn khách đoàn chiếm khoảng 70% khi chi phí tăng, buộc các đơn vị du lịch phải cân đối chi phí khi mở bán các tour do doanh nghiệp giới hạn chi phí cho các tour du lịch, sinh hoạt nội bộ, hội thảo…
“Khi vé máy bay tăng, họ sẽ tính toán đi các tour gần để tiết kiệm chi phí hoặc ra nước ngoài với chi phí phù hợp. Đồng thời, nhóm khách đoàn đi công tác thường xuyên sẽ tiết giảm bằng cách họp online hoặc lựa chọn phương tiện khác để di chuyển. Tóm lại, nhóm khách đoàn sẽ ảnh hưởng rất lớn” - bà Hằng nói và cho rằng việc tăng giá trần lúc này chưa chắc đã tối ưu, thay vì ổn định giá để thông thương kết nối giao thương, giữ khách.
Tương tự, với khách quốc tế đến Việt Nam nối tour đường dài nội địa khiến chi phí tăng thêm, lúc đó các công ty lữ hành sẽ lái đường bay gần hoặc sang các nước lân cận với mức giá tiết kiệm. Từ đó, bà Hằng nhấn mạnh “lẽ ra đường bay dài giảm mới đúng”.
Với đường bay 1.280 km trở lên được đề xuất tăng từ 3,7 triệu đồng/vé một chiều lên 4 triệu đồng, tăng 250.000 đồng.
Giá vé máy bay nên để thị trường quyết định
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia về hàng không, cho rằng giá vé máy bay nên để thị trường quyết định bởi trên các chuyến bay có nhiều mức giá khác nhau, theo đó khách mua sớm có vé giá rẻ. Ngược lại, có phân khúc khách sẵn sàng bỏ chi phí cao, công việc cấp thiết để đi du lịch, công tác… Do đó, tự bản thân các hãng bay đều có cách tính toán chi phí cân đối cho các chuyến bay để cạnh tranh với các hãng khác.
Theo ông Tống, hiện thị trường hàng không nội địa đang phát triển sôi động. Đặc biệt cao điểm lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, các hãng mở bán vé quá cao, khiến khách hàng quay lưng, chuyển hướng sang đi du lịch tự túc, đi tour ngắn đường bộ, đường sắt để tiết giảm chi phí. Đây là sự phản ứng lẽ thường của khách khi giá vé đẩy lên cao.
“Với các đường bay tấp nập khách như Hà Nội - TP.HCM, các hãng sẽ tự tính toán, điều tiết vé để cạnh tranh với các hãng đối thủ, chứ không hẳn tranh thủ đông khách để thiết lập mặt bằng giá mới. Vai trò Nhà nước là quản lý chất lượng dịch vụ tại các sân bay, thủ tục thuận lợi cho khách đi máy bay” - ông Tống nói.
Còn chuyên gia hàng không Phạm Ngọc Sáu cho rằng đề xuất điều chỉnh giá trần lần này thay đổi nhiều so với quy định hiện hành. Do đó, các đường bay đông khách, các hãng bay muốn lôi kéo khách sẽ phải giảm giá để cạnh tranh.•
Tăng giá vé để tăng chất lượng dịch vụ
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc ban Tiếp thị và Truyền thông Vietravel Airlines, nhìn nhận đây là một trong những đề xuất theo sát tình hình thực tế của ngành khi các chi phí đầu vào có nhiều sự biến động so với khung giá trần đã được ban hành tại thời điểm cách đây tám năm.
Ông Hoàng nhận xét dựa trên kết quả hoạt động của hãng những năm qua cho thấy trung bình giá vé của các chặng bay do hãng khai thác luôn dưới khung giá vé trần ban hành từ năm 2015. Do vậy, việc tăng khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các chi phí đầu vào biến động như thời gian qua.
Hãng này ghi nhận giai đoạn đầu của cao điểm hè 2023, giá vé từ TP.HCM và Hà Nội đến các TP du lịch như Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Nẵng giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.