Tăng nặng mức xử phạt giao thông đường thủy

Đó là nội dung mới trong Nghị định 60/2011/NĐ-CP có hiệu lực và thay thế Nghị định 09/2005/NĐ-CP và Nghị định 156/2007/NĐ-CP quy định về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Các mức xử phạt được tăng nặng nhằm tăng sức răn đe, ngăn ngừa các vi phạm trong lĩnh vực này.

Tăng nặng mức xử phạt giao thông đường thủy ảnh 1
Các mức phạt hành chính về vi phạm
an toàn giao thông đường thủy sẽ tăng nặng từ 15/9

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng đối với 1 trong các hành vi vi phạm sau: kẻ, gắn số đăng ký của phương tiện không đúng quy định; số đăng ký, gắn trên phương tiện bị mờ hoặc bị che khuất; đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người vào hoạt động mà không bảo đảm an toàn theo quy định (quy định cũ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 - 50.000 đồng).

Ngoài ra, các hành vi vi phạm như xây dựng công trình trong phạm vi luồng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền; khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi luồng, phạm vi bảo vệ công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa nếu không có giấy phép hoặc sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Điểm mới nhất trong Nghị định 60/2011/NĐ-CP là quy định rõ ràng về mức phạt cụ thể đối với hành vi chở vượt quá sức chở người của phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Tuy nhiên, mức tiền phạt này được cho là chưa đủ mạnh để răn đe các chủ phương tiện vi phạm.

Cụ thể: phạt tiền từ 10.000 - 20.000 đồng đối với chủ phương tiện chở vượt quá số người theo quy định nếu chở vượt đến 20% số người; phạt tiền từ 20.000 - 30.000 đồng; chở vượt trên 20% - 30%; phạt tiền từ 30.000 - 50.000 đồng và nếu chở vượt trên 50% số người theo quy định.

Phạt tiền từ 3- 5 lần giá vé nếu chở vượt quá số người theo quy định đối với phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định, phương tiện vận chuyển hành khách du lịch. Phạt tiền 1% giá trị hợp đồng trên mỗi hành khách chở vượt quá số người được phép chở đối với phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, đối với các hành vi sử dụng đăng ký đăng kiểm giả, không có giấy phép khai thác cát, sỏi, hoặc khai thác cát trong luồng chạy tàu, không có chứng chỉ chuyên môn hợp lệ... đều bị xử phạt theo các mức từ 100.000 - 30 triệu đồng.

Đối với các cơ sở đào tạo, cơ sở cải tạo hoán cải tạo phương tiện, quy định mới cũng đưa ra các mức phạt từ 3 triệu đến 15 triệu đồng nếu hoán cải không đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt hoặc cơ sở đào tạo mở lớp nếu chưa được cấp giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Chính quyền các địa phương nếu xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn quản lý sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với 1 trong các hành vi vi phạm như: không bảo vệ hoặc làm thay đổi dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng liên quan đến tai nạn; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện cứu nạn; gây mất trật tự, cản trở việc cứu nạn, xử lý tai nạn; lợi dụng tai nạn xảy ra để xâm phạm tài sản, phương tiện bị nạn (quy định cũ phạt từ 200.000 - 500.000 đồng).

Hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn sẽ phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 2 - 3 triệu đồng) và xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn từ 3 đến 6 tháng.

Theo Quỳnh Anh (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm