Tăng thuế xăng dầu, hãy nghĩ đến người dân!

Bởi tăng thuế đồng nghĩa giá bán lẻ xăng dầu sẽ bị đẩy lên tương ứng. Người tiêu dùng phải móc thêm hầu bao cho mỗi lần đổ xăng.

Còn nhớ vào thời điểm này cách đây hai năm, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu, trong đó riêng giá xăng tăng 300%, từ 1.000 đến 3.000 đồng/lít. Thời điểm đó Bộ Tài chính lý giải việc tăng thuế BVMT để bù đắp phần giảm thuế nhập khẩu theo cam kết hội nhập, việc tăng thuế BVMT thêm 2.000 đồng/lít không làm tăng giá bán lẻ. Vậy nhưng sau đó thực tế không như Bộ Tài chính cam kết.

Năm nay Bộ Tài chính cũng đưa ra lý do tương tự cho mục đích tăng thuế BVMT. Đáng nói hơn, đại diện Bộ Tài chính lý giải rằng đề xuất tăng thuế xuất phát từ việc giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Campuchia,... Trong khi các chuyên gia phản biện rằng sự so sánh như trên là không chính xác, thiếu công bằng.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu vô cùng quan trọng của bất cứ quốc gia nào. Nó tác động, chi phối đến hầu hết lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đời sống tiêu dùng,… Giá xăng bị đẩy lên cao sẽ khiến chi phí các mặt hàng khác tăng lên, sản xuất, kinh doanh gặp khó và làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo tính toán, với mức thuế BVMT như hiện nay, tổng số tiền thuế thu được từ mặt hàng xăng dầu hơn 40.000 tỉ đồng. Nếu thuế BVMT xăng dầu lên tối đa 4.000-8.000 đồng/lít thì số tiền thuế thu được hơn 100.000 tỉ đồng, gấp ba lần hiện nay.

Bằng một phép tính đơn giản cũng cho thấy giá xăng RON 92 hiện tại được bán với giá 17.230 đồng/lít, trong đó thuế phí khoảng 8.000 đồng/lít, chiếm khoảng 47%. Nếu thuế BVMT tăng lên mức kịch khung đề xuất là 8.000 đồng/lít thì giá xăng sẽ bị đẩy lên hơn 25.000 đồng/lít, trong đó cơ cấu thuế phí chiếm khoảng 64%, tăng khoảng 17% so với hiện tại.

Rõ ràng tăng thuế, ngân khố quốc gia có thêm tiền nhưng người dân, doanh nghiệp lại phải bớt một khoản chi tiêu không hề nhỏ. Tăng thuế là cách đơn giản nhất để trước mắt có tiền chi tiêu ngân sách nhưng biện pháp này không có lợi về lâu dài, không nuôi dưỡng nguồn thu.

Đáng ra Bộ Tài chính nên tìm ra những giải pháp khác như giảm chi thường xuyên, quản lý tốt các nguồn chi, giảm thuế, kích thích sản xuất để từ đó nuôi dưỡng nguồn thu thay vì chăm chăm tận thu để rồi chính người dân và doanh nghiệp gánh chịu hệ lụy. Tăng thuế là giải pháp dễ nhất trong lúc ngân sách căng thẳng nhưng như vậy chẳng khác nào đi ngược lại với tinh thần kiến tạo của Chính phủ.

Một đề xuất mà không nhận được sự đồng tình của các bộ ngành, chuyên gia, người dân và doanh nghiệp thì nên xem xét cân nhắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm