Tàu cao tốc vỡ: Đã dày “trận mạc”ở Trung Quốc

Ngày 17-6, ông Nguyễn Anh Hữu, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, cho biết: Cảng vụ tiếp tục mời đại phó và máy trưởng tàu Hoàng Phúc 01 đến làm việc để tìm hiểu nguyên nhân khiến con tàu bị vỡ.

Trong khi đó, một nguồn tin cho biết con tàu được đóng mới năm 1994 tại Úc theo đơn đặt hàng của một người ở Đặc khu hành chánh Macau (Trung Quốc). Sau khi hoạt động ở Macau một thời gian, con tàu này được bán sang Trung Quốc, sau đó mới được một công ty ở Kiên Giang mua lại. Khi đóng mới, con tàu được thiết kế tàu cấp III, tức chỉ hoạt động ở vùng biển có gió cấp 5-6, thích hợp làm du thuyền chạy trong các vịnh biển ở Macau. Sau khi về Việt Nam, con tàu được nâng lên thành cấp II, có thể hoạt động khi gió đạt cấp 7. Theo một nguồn tin khác, thân tàu Hoàng Phúc 01 gồm hai lớp: nhôm phía trong và composite bên ngoài. Tuy nhiên, phần composite tại nhiều nơi rất mỏng.

Ngày 17-6, ông Trần Đăng Ninh, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 9 (Bà Rịa-Vũng Tàu), khẳng định: Tàu Hoàng Phúc 01 đảm bảo chất lượng khi đăng kiểm. Cụ thể, con tàu được sửa chữa tại một cơ sở thuộc Hải quân 129 (TP Vũng Tàu) vào tháng 1-2011. Khi đó, bản thiết kế xin thay đổi hai máy chính của chủ tàu đã được thẩm định rất kỹ. “Trong quá trình sửa chữa tới khi đăng kiểm, con tàu này hoàn toàn đảm bảo về mặt chất lượng, bao gồm cả vỏ tàu và phần kính” - ông Ninh khẳng định.

Cũng theo ông Ninh, cần phải giám định kỹ mới biết rõ nguyên nhân vì sao vỏ và kính tàu bị vỡ. Cạnh đó, chi cục cũng chưa nắm rõ khi gặp sự cố, tốc độ tàu Hoàng Phúc 01 là bao nhiêu. Trong giấy chứng nhận khả năng đi biển, chi cục đã giao kết rõ: Tàu Hoàng Phúc 01 chỉ chịu được gió cấp 7 khi chạy ở tốc độ bình thường. Khi gió đạt cấp 5-6, tàu cũng không được chạy ở chế độ cao tốc.

P.NAM - T.KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm