Tàu, phà, xe… và nỗi lo kẹt đường

Chỉ còn bốn ngày nữa là đến thời khắc giao thừa, nhu cầu đi lại trong thời gian này rất lớn. Các công ty vận tải hành khách, bến phà, bến xe, bến tàu… đang vận hành hết công suất với quyết tâm không để khách phải ăn tết ở bến xe, bến tàu vì không có phương tiện về quê.

Bến xe miền Đông: Khách chờ xe, đường sợ kẹt

Ngày 26 tháng Chạp, hàng ngàn hành khách đi các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… ngồi chờ tại Bến xe Miền Đông đợi xe xuất bến sau khi đã mua được vé đi ngay trong ngày.

Lý giải, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết khách chờ xe vì các hãng đã điều một lượng lớn xe đi từ các ngày trước, đang trên đường quay về và họ chưa chịu cho xe từ các tuyến khác hoặc xe buýt vào tăng cường. “Nếu hãng nào để khách chờ ở bến quá lâu, gây ùn ứ cục bộ, chúng tôi sẽ buộc hãng cho xe của các tuyến đường ngắn sang giải tỏa khách” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, ngày 28 tháng Chạp năm rồi có đến 47.000 khách đi về các tỉnh, năm nay sẽ tăng lên 50.000-55.000 người. Để tránh bị thiếu xe, bến đã chuẩn bị 300 xe buýt dự phòng. Trong đó có 10 chiếc thường xuyên có mặt tại bến để chờ điều động.

Tàu, phà, xe… và nỗi lo kẹt đường ảnh 1

Hành khách mệt mỏi chờ xe tại Bến xe Miền Đông chiều 9-2. Ảnh: LƯU ĐỨC

Lượng xe xuất bến tăng cao gây nguy cơ ùn tắc từ Bến xe Miền Đông ra quốc lộ 1A và đoạn từ cầu Đồng Nai đến vòng xoay ngã ba Vũng Tàu. Xe phải mất gần một giờ mới thoát ra được. Thượng tá Huỳnh Tiến Mạnh, Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Những ngày qua, tại vòng xoay trên đã mở lối cho phép xe từ dưới chín chỗ ngồi đi vào đường trước siêu thị Big C đến trước Khu công nghiệp Biên Hòa 2 để rẽ trái ra lại quốc lộ 1A. Trong trường hợp từ cầu Đồng Nai, vòng xoay ngã tư Vũng Tàu đến trước Khu công nghiệp Biên Hòa 2 kẹt nặng sẽ cho phép các loại xe đi vào các tuyến đường nội bộ thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 2” - Thượng tá Mạnh nói.

Bến xe Miền Tây: Tăng giá vé

Theo ông Huỳnh Hải Oanh, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, từ sau ngày 22 tháng Chạp, lượng khách đến bến này đi xe về các tỉnh miền Tây tăng. Cụ thể, ngày 22 tháng Chạp, bến đã xuất hơn 1.600 xe đi về các tỉnh miền Tây. Đến ngày 24 tháng Chạp có 26.000 khách và 1.800 xe. Theo ông Oanh, từ ngày 27 tháng Chạp đến 29 tháng Chạp có thể lên tới 55.000-57.000 người nhưng bến xe đã chuẩn bị đủ xe để đưa hết người dân về quê” - ông Oanh khẳng định. Cũng theo ông Oanh, từ hôm nay đến 30 tết, tất cả hãng xe sẽ tăng giá vé lên 40%.

Trên tuyến cao tốc Trung Lương, rất ít xe khách đi vào tuyến này vì xe khách có máy, vỏ cũ không dám vào đường có tốc độ cao và không cho dừng đón trả khách. “Chỉ có các hãng xe thương hiệu, máy tốt, vỏ mới, đầy khách trên xe mới đi vào đường cao tốc” - ông Oanh nói. Vì thế, nguy cơ ùn tắc trên quốc lộ 1 ở cửa ngõ phía tây vẫn tiềm ẩn vào những ngày cao điểm. Thiếu tá Lại Văn Ba, Đội trưởng Đội CSGT An Lạc, cho biết đội đã sẵn sàng chuẩn bị lực lượng để giải tỏa ùn tắc ở cửa ngõ phía tây.

Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bến bãi vận tải Sài Gòn, đơn vị quản lý Bến xe An Sương và Ngã tư Ga, những ngày qua lượng khách đi từ hai bến này cũng đã tăng 10%-15% so với cùng kỳ. Theo ông Lộc, xe từ hai bến trên ra đều đạt 80%-100% số khách theo giấy đăng kiểm nhưng khi ra khỏi bến, các nhà xe đón thêm khách, nhồi nhét thêm gần gấp hai lần số ghế.

ĐBSCL: Chỉ ngán kẹt phà

Từ ngày 26 đến 29 tháng Chạp, Bến xe Cần Thơ có 1.100 lượt xe/ngày chạy 55 tuyến và dự phòng thêm 40 chiếc/ngày. Bến tàu khách Cần Thơ có 140 chiếc tàu đi 26 tuyến khắp ĐBSCL và dự phòng thêm năm tàu/ngày để giải tỏa hành khách khi quá tải. Từ mùng một đến mùng 10 tết, số xe dự phòng sẽ tăng lên 130 chiếc/ngày và 10 tàu/ngày.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, cho biết: “Đối với các tuyến trọng điểm như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Cà Mau, Kiên Giang… sẽ huy động tất cả xe chạy ngoài tuyến cố định vào hỗ trợ. Ở bến, chúng tôi không để khách chờ phải đợi xe quá 60 phút” - ông Mạnh khẳng định.

Phà Cát Lái: Khách tăng gần 20%

Từ 24 tháng Chạp đến nay, mỗi ngày có trên 30.000 lượt khách và phương tiện qua phà Cát Lái; tăng gần 20% so với ngày thường. Và sẽ tăng thêm từ 10% đến 15%. Bến đã điều động thêm hai chiếc phà loại 60 tấn từ bến phà Thủ Thiêm sang dự phòng.

Sở GTVT Cần Thơ, Sóc Trăng cũng đã thống nhất hỗ trợ vận chuyển hành khách ứ đọng tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau trong ngày 29 và 30 tết.

Ở Vĩnh Long, bến xe khách tỉnh có 200 phương tiện vận tải khách các loại, đăng ký chạy trên 22 tuyến. Các doanh nghiệp vận tải liên kết các đơn vị khác đưa thêm xe 54 chỗ vào phục vụ.

Tại Kiên Giang, tàu cao tốc sẵn sàng chở khách ra các đảo Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du… Vietnam Airlines đã tăng chuyến bay từ tám lên 10 chuyến/ngày ở tuyến TP.HCM - Phú Quốc đến hết tết Nguyên đán nhưng không đủ vé phục vụ...

Từ sáng sớm đến trưa 9-2, ở bờ Vĩnh Long lượng xe khách từ TP.HCM và các tỉnh nối đuôi nhau xếp hàng đôi gần 3 km trên quốc lộ 1A. Xe phải đợi gần một giờ mới tiếp cận được cổng phà. Trong khi đó, phía bờ Cần Thơ, lượng xe rất ít. Ông Phan Quang Dự, Giám đốc Cụm phà Hậu Giang, cho rằng ba ngày tới, lượng xe khách sẽ nhiều hơn ở cả hai đầu bến nên khó tránh chuyện kẹt phà.

Hà Nội: khách tăng gấp đôi

Tại Bến xe Mỹ Đình, từ ngày 21 tháng Chạp đến nay, khách đi xe tăng gấp đôi ngày thường. Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, dự kiến từ ngày 10 đến 12-2 (từ ngày 27 đến 29 tháng Chạp âm lịch), lượng khách sẽ nhiều hơn vì thời điểm này, cán bộ, nhân viên, công nhân bắt đầu nghỉ tết. Ga Hà Nội còn nhiều vé đi tuyến Vinh và Lào Cai.

NHÓM PV NN-CD

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm