Nay với việc phát “phiếu điều tra” bắt các em học sinh trả lời 19 câu hỏi, bà hiệu trưởng trường này đã bồi thêm một cú tát vào cả 23 em lớp 6 non nớt, tội nghiệp.
Chất lượng là danh dự nhưng tình thương và trách nhiệm cũng là điều học sinh mong mỏi không kém. Trong ảnh: Khẩu hiệu của Trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình
Ai đúng, ai sai sẽ có pháp luật xem xét, còn với các em, điều quan trọng nhất là người lớn mau chóng trả lại bầu không khí an bình cho tuổi thơ hồn nhiên, thơ ngây, trong trắng của các em. Nhưng tiếc thay, bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng nhà trường, đã lãnh đạo êkíp của mình tiếp tục khuấy đục tuổi thơ yên bình của các em bằng việc làm phi khoa học và phản giáo dục đến thế.
Với tư cách là một nhà xã hội học chuyên nghiệp, tôi đã đọc kỹ 19 câu hỏi và kết quả trả lời của các em. Tôi hoàn toàn khẳng định đây không phải là một bản câu hỏi xã hội học mang tính khoa học như nhà trường biện minh mà đây chỉ là một đám câu hỏi lộn xộn, phi logic.
Không khó để chỉ ra một loạt thiếu sót cực kỳ ấu trĩ trong các câu hỏi này. Tất cả các nguyên tắc quan trọng nhất của một cuộc khảo cứu xã hội học đều bị vi phạm (như đơn vị thực hiện phải là một tổ chức trung lập, người trả lời với tư cách ẩn danh, kết quả thu được phải được bảo mật…).
Có thể bà hiệu trưởng cho rằng bà đang làm một việc đúng đắn là “đi tìm sự thật của 231 cái tát”. Nhưng bà đã không lường được hệ quả tiếp theo của nó là sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các em, là sự hằn thù của “tát nặng, tát nhẹ”, là sự buộc phải giả dối của học trò vì trả lời dưới sự quản chế của người quản trò.
Và bao trùm lên tất cả là một thái độ đối phó của bà hiệu trưởng nhà trường. Với trò diễn này, bà hiệu trưởng muốn lái dư luận và công luận hiểu rằng việc không trầm trọng đến như thế, rằng kết quả “điều tra” cho thấy việc báo chí nêu trước đó không đúng, là thổi phồng lên.
Thật đau xót khi những em trước đó (gồm cả lớp trưởng) khẳng định sự việc là có thật thì nay lại phủ nhận lời nói của mình! Ai đã gieo vào những cái đầu non nớt, hồn nhiên của những đứa trẻ 12-13 tuổi cái sự gian dối này?!
Không biết từ bao giờ, từ đâu mà hình thành nên một thói quen rất xấu ở chúng ta là tệ đối phó, biện minh khi làm sai. Trong hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục ai cũng có thể gặp sai lầm. Khi sai, người ta phải thẳng thắn nhận ra cái sai để nhận lỗi, sửa lỗi, nhưng lâu nay đa phần người ta tìm cách chối lỗi, đổ lỗi cho người khác, thậm chí đổ cho hoàn cảnh khách quan, cho trời, cho đất. Đó là một thứ văn hóa xấu tệ hại, cần phải loại trừ ra khỏi hệ thống giáo dục, bởi người lãnh đạo giáo dục mà như thế thì sản phẩm của họ làm ra làm sao tránh khỏi bị lỗi.
Trong bức thư Tổng thống Abraham Lincoln viết gửi thầy giáo của con trai mình có những dòng như sau:“Xin hãy dạy cho cháu biết đứng thẳng người để bảo vệ những gì cháu cho là đúng; xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân, bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại”.
Liệu cách hành xử của bà hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh và êkíp có tạo ra được những đứa trẻ “biết đứng thẳng” hay không?!