Tết của những người giữ biển

Ngày cuối năm, bến cảng Kỳ Hà (Núi Thành, Quảng Nam) vắng bóng những con tàu của lực lượng cảnh sát biển thuộc Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2. Các tàu này đều đã lên đường làm nhiệm vụ, tàu gần nhất cũng cách bờ hơn 20 hải lý. Những căng thẳng trên biển thời gian qua khiến người lính biển không có một phút ngơi nghỉ. Gác lại niềm vui của ngày đoàn viên cuối năm, các anh lại lên tàu, ngày đêm canh biển cho quê hương vui mùa xuân mới.

Xung phong trực chiến

Thuyền trưởng Lê Trung Thành, chỉ huy con tàu dũng mãnh CSB 4033 trong những ngày tháng 6-2014 sục sôi, tâm sự: Tết của anh em không đơn thuần là bữa cơm gia đình ấm cúng mà là những chuyến hải trình vượt sóng gió để tuần tra, bảo vệ biển đảo. “Mọi người đều rất nhớ nhà, nhất là khi nghe thông tin mùa xuân đã về từ đất liền. Nhưng anh em đều dặn nhau chắc tay súng để vượt lên cảm giác đó”.

Tàu CSB 4033 là một trong hai tàu đầu tiên của lực lượng cảnh sát biển có mặt tại thực địa để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Đây cũng là con tàu có thời gian bám trụ lâu nhất. Sau một năm vật lộn với sóng gió, nhưng tết này anh em trên tàu đều xung phong ở lại trực. “Vui xuân cùng gia đình trên mảnh đất quê hương ai mà không muốn. Nhưng anh em chúng tôi đều tự nhủ mình đón xuân trên vùng biển thiêng liêng của tổ quốc để hơn 90 triệu người dân Việt có cái tết an vui là niềm tự hào” - thuyền trưởng Thành nói.

Tết của những người giữ biển ảnh 1

 
Nén hương ngày tết trên biển Hoàng Sa cầu cho đất nước thanh bình.

Đã bốn năm liền chưa được về tết nhưng tết này thuyền trưởng tàu 6006 Lương Văn Báu vẫn tình nguyện ở lại trực biển. Anh tâm sự, dù cậu con trai đã ba tuổi nhưng chưa một lần dẫn con đi ngắm hoa xuân hay lên chùa hái lộc đầu năm. Ngày vợ sinh đứa con đầu lòng cũng là tháng giáp tết, anh đang lênh đênh trên biển. “Đêm vợ trở dạ, mình đang trên vùng biển không có sóng điện thoại. Lúc liên lạc được với đất liền mới biết “mẹ đã tròn, con đã vuông”. Mừng lắm, muốn chạy về ngay để nhìn mặt bé. Nhưng tết đó vẫn không kịp về cùng hai mẹ con”.

Theo anh Báu, với những người lính biển, chuyện đón tết xa nhà là bình thường. Có người đã ba, bốn năm chưa một lần biết đến tết quê. Gia đình, vợ con viết thư, gọi điện thoại vào động viên cố gắng năm nay sắp xếp về. Nhưng rồi những nhiệm vụ bất ngờ, dồn dập khiến các anh phải luôn trực chiến 24/24.

“Dù tết, lễ hay ngày nghỉ thì các tàu đều duy trì quân số bình thường, luôn sẵn sàng lên đường khi có lệnh. Tư tưởng anh em trên tàu cũng xác định rõ ràng nhiệm vụ là trên hết” - anh Báu chia sẻ.

Vị tết của biển

Ba năm đón tết xa nhà, Thượng úy Hoàng Văn Thường (quê Quảng Ninh, Quảng Bình), chính trị viên tàu 4033, cho hay người lính nào cũng ước mong mấy ngày tết được sum vầy bên vợ con, gia đình. Ngày mới xuống tàu, anh và đồng đội nhận lệnh đi tuần trong dịp tết (từ ngày 22 tháng Chạp đến 11 tháng Giêng). Không kịp điện thoại về báo cho gia đình, anh xếp gọn hành trang rồi khẩn trương lên đường.

Tết của những người giữ biển ảnh 2

 
Trang trí tàu chuẩn bị đón tết.

“Đó là lần đầu tiên mình đón tết trên biển. Một kỷ niệm khó quên trong đời. Không phải người lính nào cũng có may mắn được đón mùa xuân về trên vùng biển quê hương. Cảm giác đó thật thiêng liêng” - anh Thường tâm sự. Ngày tàu rời bến, anh em chỉ kịp chuẩn bị ít thực phẩm, tre nứa, cành cây khô… để chuẩn bị đón một cái tết giữa những con sóng bạc đầu.

Chiều 30, sau khi kết thúc chuyến tuần tra, đẩy đuổi các tàu cá xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam, tàu CSB 4033 mới bắt đầu thả neo. Ngoài một kíp trực chiến, mọi người đều đổ dồn về khoang bếp. Những bản nhạc chào mừng xuân mới được bật lên. Mọi người khẩn trương dọn dẹp, trang trí cho tàu để chuẩn bị đón tết. Dù ở nhà chưa từng chẻ nứa, gói bánh chưng nhưng sau khi được các “anh nuôi” chỉ bảo vài chiêu, các chiến sĩ trẻ đã gói bánh rất thành thạo. Bên ngoài khoang tàu, một nhóm chiến sĩ cặm cụi cắt dán những băng rôn chào mừng năm mới. “Tết trên biển khác hẳn với tết ở đất liền. Ở đây không có hoa mai, hoa đào. Mọi thứ đều được làm từ giấy và những cành cây khô mang theo từ đất liền. Mấy anh em còn viết cả câu đối mừng xuân” - anh Thường cho biết. Tiếng nói, tiếng cười đùa của người lính xua tan đi cái rét lạnh cuối mùa.

Tết của những người giữ biển ảnh 3

19 giờ đêm 30 tết, sau gần nửa ngày tất bật sửa soạn, cả tàu bận rộn gói ghém, chuẩn bị đồ để vớt bánh chưng và bày mâm ngũ quả. Mâm cơm cuối năm cũng có đủ thịt muối, dưa hành, bánh chưng xanh... Mọi người ngồi lại bên nhau, cùng trò chuyện về gia đình, chuyện tết ở quê. Tiết mục văn nghệ kéo dài đến gần 11 giờ thì cánh “đầu bếp” sửa soạn cúng giao thừa. “Càng đến gần giao thừa, cảm giác càng nôn nao. Mọi người bật điện thoại gọi cho gia đình, vợ con để hỏi thăm sức khỏe, cũng là lời chúc tết của tàu gửi về đất liền” - Thường nói.

Tới thời khắc giao thời, những người lính quân phục chỉnh tề đứng thành hàng, kính cẩn thắp nhang lên bàn thờ Bác Hồ và cờ tổ quốc được kê trang trọng giữa khoang tàu. Ai cũng nguyện cầu cho hồn thiêng sông núi phù hộ đất nước thanh bình, chủ quyền được toàn vẹn, ngư dân đánh bắt được mùa. Mỗi người đều tự hứa với mình quyết tâm bảo vệ vùng biển đảo chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Sau những lời chúc tết, anh em trao cho nhau những túi lì xì màu đỏ như một lời động viên cùng cố gắng.

Bên ngoài boong tàu, xuân mới đang về…