Tha hồ mua đặc sản 'độc, lạ' Tây Bắc tại TP.HCM

Ngày 23-11, tại Big C An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM, Bộ Công Thương phối hợp cùng Tập đoàn Central Group khai mạc Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Theo đó, tại tuần lễ này, người tiêu dùng tại TP.HCM có cơ hội mua 20 đặc sản của các tỉnh miền núi phía Bắc như chanh dây, bí xanh, bí đỏ dài của Mộc Châu; cam, quýt tỉnh Hòa Bình, thịt trâu gác bếp tỉnh Yên Bái…

Bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cho biết khi lấy ngẫu nhiên 13/20 mẫu đặc sản Tây Bắc được bày bán tại tuần lễ này, kết quả đều đạt các chỉ tiêu vi sinh.

Ngay những đặc sản mà người tiêu dùng thường lo ngại không đảm bảo an toàn như thịt heo, thịt trâu gác bếp, măng chua, măng muối ớt dổi… cũng không chứa chất bảo quản, không có men mốc; tương ớt Mường Khương không có phẩm màu, trái cây không có thuốc trừ sâu...

Tại kệ hàng măng đặc sản vùng Tây Bắc với các loại măng trúc quân tử, măng lay Tây Bắc, măng giang đặc sản, măng nứa tươi, măng củ thái sẵn. Đặc biệt là măng khô nấu ngay và măng muối ớt dổi ăn liền thu hút nhiều người ghé mua.

Ông Ngô Đức Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi, cho biết nguyên liệu măng đặc sản được thu hái từ các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái… với nhiều loại khác nhau. Thời gian thu hoạch măng chỉ có hai vụ là mùa xuân - sau Tết nguyên đán và mùa thu từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch.

Theo ông Sinh, măng thu hoạch vào mùa xuân có nhiều loại nhưng đặc sắc nhất phải là trúc quân tử. Đây là giống măng của người Dao, được trồng theo sự di cư của người Dao, loại măng này mọc trên núi đất khoảng 800 m. Sản lượng măng trúc quân tử này hiếm vì ít. Do khi thu hái măng về phải loại bỏ 60% vỏ mới cho ra măng.

Mặt khác, loại măng này rất “khó tính”, khi thu hái xong phải luộc ngay, vì nó sẽ bị già, bị cứng mất hết dinh dưỡng hoặc bị đắng. Thậm chí nếu không cẩn thận măng sẽ thối ngay. Vì vậy, công ty đầu tư luôn cả lò luộc dưới chân núi. Khi người dân hái xong, măng được bóc hết vỏ xong luộc ngay.

Cầm trên tay hũ măng muối ớt dổi và măng nứa khô ăn liền, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi, giới thiệu trái dổi chỉ có ở vùng Tây Bắc, với tuổi đời 20 năm, trái dổi này bán ở thị trường khoảng 1 triệu đồng/kg, dổi được xay ra lấy vị.

Với “công nghệ” của bà con người Mường và công nghệ riêng, măng muối ớt dổi không dùng chất bảo quản nhưng thời hạn sử dụng được một năm.

“Từ những bát măng của người Mường, hũ măng của người Thái, chúng tôi đã sáng tạo thành công măng muối ớt dổi có vị giòn thơm của măng, vị đậm của dổi và cay cay của ớt. Đặc sản này giúp kích thích tiêu hóa, giã rượu bia” - bà Hà tự hào nói.

Đối với măng nứa khô ăn liền, khi thu hái từ rừng về, măng được luộc ngay rồi bóc vỏ sấy khô. Và bình thường người tiêu dùng phải ngâm măng khô 2-3 ngày bằng nước ấm, sau đó luộc nhiều lần để măng mềm ra, ngậm đủ nước thì mới chế biến thức ăn được.

Tuy nhiên, toàn bộ công đoạn đó đã được máy móc hiện đại, công ty sản xuất quy mô lớn và đóng túi để được một năm nên các bà nội trợ chỉ mất một phút cắt túi, bỏ nước, rửa sạch bằng nước lã là có thể chế biến một nồi canh măng.

Sản phẩm này được xuất khẩu sang Hà Lan, Đức, Nga… hầu như tháng nào cũng xuất được một container.

“Hầu như bà con dân tộc sấy tự nhiên bằng cách phơi mặt trời hoặc sấy lò than. Tuy nhiên, có trường hợp bà con sấy ẩm rồi bảo quản bằng cách rắc diêm sinh vào. Chúng tôi yêu cầu bà con không làm theo cách này và sẵn sàng mua giá cao hơn 40%. Chúng tôi có phòng thí nghiệm kiểm tra liên tục, nếu phát hiện thì loại ra ngay” - bà Hà kể.

Thịt chua đặc sản Phú Thọ thu hút khách ghé mua.

Măng muối ớt dổi đặc sản Tây Bắc.

Mang đến sản phẩm thịt chua truyền thống; thịt chua bì sần sật… đặc sản Phú Thọ, bà Nguyễn Thị Hồng Đào, chủ cơ sở sản xuất thịt chua Điệp Đào, cho biết thịt chua này được làm từ thịt heo thả rông, heo này không ăn cám tăng trọng.

Sau khi heo được giết mổ rửa sạch, đem nướng rồi thái mỏng nhỏ, ướp gia vị như muối, hạt nêm, bột canh rồi ướp tiếp với thính ngô, thính đậu, thính gạo.

Công đoạn tiếp theo là cho vào kho nóng, ở nhiệt độ 28-30 độ C ủ lên men chua. Ba ngày sau lấy ra khỏi lò và cho thịt vào lọ, trên cùng là một lớp lá ổi, tương ớt… đóng nắp cho ra thị trường. Ngoài đóng hộp sản phẩm còn được đặt trong ống nứa hút chân không rất an toàn.

“Với đặc sản này, dùng cùng các loại lá sung, lá mơ hoặc bánh tráng cuốn chấm tương ớt. Sản phẩm này không dùng chất bảo quản, để trong ngăn mát dùng được 1,5 tháng” - bà Đào hướng dẫn.

Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch quan hệ đối ngoại Tập đoàn Central Group Việt Nam, cho biết Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc được tổ chức lần đầu tiên ở phía Nam cũng như các chương trình khác được tổ chức trước đó nhằm hỗ trợ quảng bá, kích cầu, tạo giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Tập đoàn luôn hỗ trợ nhà cung cấp, các hộ sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam ở các địa phương mở rộng mạng lưới phân phối vào kênh bán lẻ hiện đại. Qua đó góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. 

Theo bà Lê Thị Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, đây là hoạt động nhằm triển khai Quyết định 4566/QĐ-BCT năm 2017 về thực hiện dự án an toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020.

Nhiệm vụ mà Bộ Công Thương giao cho Vụ Thị trường trong nước là đồng hành cùng các hệ thống phân phối, đặc biệt là hệ thống phân phối hiện đại làm thế nào đưa hàng hóa an toàn đến với người tiêu dùng. Đặc biệt là nhóm thực phẩm đặc sản.

Do được sản xuất ở quy mô hộ nhỏ lẻ, việc xây dựng tiêu chuẩn công bố tiêu chuẩn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc đồng hành của Bộ Công Thương, Bộ Y tế làm sao tìm ra hàng hóa đặc sản, an toàn đưa được vào hệ thống phân phối lớn, mang hàng hóa đặc sản đã được kiểm chứng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đến với người tiêu dùng. Giúp tiêu thụ hàng đặc sản, tìm đầu ra, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho bà con dân tộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm