Tháng 6-2010 huyện Nhà Bè sẽ hết “khát”

“Thất thoát nước đâu phải vì thiếu tiền”

Ông Lý trung Dân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho biết hiện nơi này đang cung cấp cho người dân TP.HCM hơn 1,3 triệu m3 nước sinh hoạt/ngày nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. “Giá nước từ tháng 7-2004 đến nay vẫn giữ nguyên trong khi vật giá leo thang. Chính vì điều này mà hai năm qua, giá nước Sawaco đang bán cho dân thấp hơn giá thành khiến Sawaco bị lỗ. Chưa nói là năm 2009, Sawaco cần 1.200 tỉ đồng để nâng cấp đường ống nhằm giảm thất thoát nước nhưng ngân sách chỉ cấp được có 90 tỉ đồng (khoảng 9%) nên tỉ lệ thất thoát nước không giảm được” - ông Dân than.

Không đồng tình, đại biểu HĐND TP Nguyễn Minh Hoàng, cho rằng tuy bị lỗ trong kinh doanh nước nhưng Sawaco vẫn “sống khỏe” nhờ lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh khác. “Không hẳn chuyện thiếu vốn sẽ làm chậm tiến độ việc nâng cấp đường ống. Dự án Nhà máy nước Kênh Đông đâu hề thiếu vốn mà vẫn chậm tiến độ. Thiết kế sai nên phải thay đổi, làm lại” - ông Hoàng dẫn chứng.

Tháng 6-2010 huyện Nhà Bè sẽ hết “khát” ảnh 1

Mặc dù xe bồn chở nước sạch tới cung cấp mỗi ngày như thế này nhưng huyện Nhà Bè vẫn còn nhiều nơi thiếu nước. Ảnh: HTD

Chuyện thất thoát nước hiện còn quá cao (tới 40%) cũng khiến nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, có nơi như Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định (thuộc Sawaco) dùng công nghệ của Hà Lan thí điểm ở một khu vực có 5.000 dân. Kết quả, tỉ lệ thất thoát nước từ 48% xuống chỉ còn 14%. “Biện pháp là thay 7 km đường ống cũ, rà soát những chỗ rò rỉ để trám lại... với chi phí hết 5 tỉ đồng nhưng hiệu quả rất cao. Công ty đang hợp tác, kêu gọi đầu tư nhằm nhân rộng mô hình, giảm thất thoát nước cho những chỗ khác nữa” - ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc công ty, cho hay.

Năm sau, Nhà Bè sẽ hết “khát”

Thực trạng chuyện người dân huyện Nhà Bè “khát” nước sạch, phải mua với giá trên trời tồn tại nhiều năm qua. Cử tri Lê Thị Luận (Nhà Bè) nói: Người dân phải mua nước sạch mà đơn vị tính bằng can. Tính ra khoảng 33.000 đồng/m3 nước. Bà Phạm Thị Viết, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cung cấp thêm: “Giá đó là trong những ngày bình thường. Gặp lúc nóng bức, người dân phải mua lại của đầu nậu với giá tới 160.000 đồng/m3 cũng không có nước mà mua!”.

Ông Lý trung Dân thừa nhận huyện Nhà Bè hiện có tới 35 điểm thiếu nước trầm trọng. Mỗi ngày Sawaco đem khoảng 4.000 m3 nước sạch tới đó bằng xe bồn, xà lan nhưng vẫn không đáp ứng đủ. “Giải pháp tạm thời là Sawaco thương lượng với các khu công nghiệp trên địa bàn tích nước xài dần và không sử dụng trong giờ cao điểm để dân có nước xài. Còn giải pháp căn cơ thì phải chờ Công ty Cổ phần BOO nước Thủ Đức chuyển nước qua” - ông Dân nói.

Ông Trương Khắc Hoành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOO nước Thủ Đức, cho biết: “Đến tháng 2-2010 mới chuyển nước đến điểm cuối Phú Mỹ Hưng (giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh). Hiện chúng tôi đang vướng giải tỏa một cái kho để đưa ống qua sông. Dự kiến tháng 6-2010 sẽ có nước cung cấp cho Nhà Bè. Lúc ấy người dân Nhà Bè sẽ đỡ “khát” nước sinh hoạt”.

Giữ định mức nước theo đầu người

Nhiều cử tri các quận, huyện kiến nghị Sawaco nên giữ định mức nước theo đầu người chứ không nên theo hộ (16 m3/hộ/tháng) như dự kiến. Cử tri cũng đề nghị tính lại lộ trình, tỉ lệ tăng giá nước chứ không thể “đùng một cái” lên giá tới hơn 70% làm dân sốc như phương án dự kiến vừa rồi.

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP, giải thích: Có tăng giá nước hay không, tăng bao nhiêu... thuộc thẩm quyền của UBND TP. Do đó, HĐND TP chỉ góp ý chứ không quyết định việc này. “Tuy nhiên, dù có tăng cũng phải theo lộ trình chứ không nên thay đổi một lúc quá nhiều khiến ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Sawaco phải phấn đấu năm 2010 đạt công suất 1,8 triệu m3 nước/ngày, năm 2015 tỉ lệ thất thoát nước còn 32% để giảm bức xúc thiếu nước sinh hoạt cho dân” - bà Thảo nói.

Giá nước sạch gánh luôn nước thất thoát

(PL)- “Ở một số địa phương lấy lượng nước thất thoát tính vào giá thành nước sạch. Trong khi thất thoát nước sạch là do đơn vị cấp nước hoạt động kém hiệu quả, một bộ phận dân cư thiếu ý thức nhưng cộng đồng phải gánh. Điều này là không công bằng, nảy sinh ra các mâu thuẫn xã hội”. Tờ trình về chương trình chống thất thu nước sạch do Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ ngày 30-11 nêu rõ.

Tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị Việt Nam bình quân khoảng 30%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng thất thoát đến hơn 40%. Đây là lãng phí lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và gây bức xúc xã hội.

H.VÂN

TRỌNG MẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm