Thảo Cầm Viên Sài Gòn phải ngưng hoạt động nếu...

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ giao Sở TN&MT xem xét, rà soát lại quyết định giao đất, cho thuê đất với Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Chiều ngày 11-12, Sở TN&MT sẽ làm việc với đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn có địa chỉ số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM (gọi tắt là Thảo Cầm Viên Sài Gòn) liên quan đến thông tin đơn vị này nợ tiền thuê đất hơn 800 tỉ đồng.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn có khoảng 2.000 cá thể động vật. Ảnh: KHÁNH CHI

Kiến nghị dừng thực hiện cưỡng chế

Theo lãnh đạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đơn vị đã có văn bản kiến nghị UBND TP, Cục Thuế TP, Sở TN&MT TP xin được khoanh nợ và dừng thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng, Kho bạc TP của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, và xin được điều chỉnh, bổ sung quyết định giao, thuê đất cho đơn vị.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn xin được khoanh số tiền nợ theo thông báo nộp tiền của Chi cục Thuế quận 1 và tiếp tục tạm đóng tiền thuê đất theo diện tích Thảo Cầm Viên đang sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ với số tiền 6 tỉ đồng/năm.

UBND TP xem xét để Thảo Cầm Viên Sài Gòn được áp dụng hình thức sử dụng đất tương tự của Công ty TNHH Một Thành viên Vườn Thú Hà Nội là Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích có mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh; làm cơ sở cho việc điều chỉnh bổ sung Quyết định số 5918 ngày 04-12-2014 của UBND TP. UBND TP chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, hỗ trợ Thảo Cầm Viên Sài Gòn hoàn thành thủ tục thực hiện các kiến nghị trên.

Lãnh đạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Cùng với đó, Thảo Cầm Viên Sài Gòn nêu lên những khó khăn, vướng mắc liên quan. Cụ thể, khi thực hiện quyết định của Chi cục Thuế quận 1 về việc cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ thuế bằng biện pháp trích tiền từ các tài khoản ngân hàng, tài khoản kho bạc của Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức, đẩy đến tình trạng Thảo Cầm Viên phải ngưng hoạt động.

Theo đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, từ năm 2020 đến nay, theo thông báo của Chi cục Thuế quận 1, tiền thuê đất của Thảo Cầm Viên Sài Gòn được tính trên toàn bộ diện tích là 158.117m2.

Trong đó đất có mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh và các đất có mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, với đơn giá thuê đất là 1.033.362 đồng/m2/năm, nên số tiền là hơn 163 tỉ đồng/năm.

Doanh thu bình quân hàng năm là 104 tỉ đồng, không đủ đóng tiền thuê đất nên đơn vị tạm đóng tiền thuê đất theo đề xuất kiến nghị được đóng tiền thuê đất theo diện tích đất thực tế sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ là khoảng 5.590m2. Tính đến nay, tổng số tiền nộp là 29.766.907.502 đồng.

Lý do đây là các tài khoản ngân hàng dùng để chi trả lương cho gần 260 người lao động của công ty và chi phí thực phẩm hàng ngày, thuốc thú y... cho gần 2.000 cá thể động vật; chi trả cho chi phí chăm sóc bảo dưỡng hơn 2.000 cây xanh; chi trả cho vật tư sản xuất rau, cỏ, hoa... để phục vụ cho việc chăm sóc động vật và trưng bày cảnh quan.

Ngoài ra, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng Công viên Sài Gòn Safari, huyện Củ Chi.

Hiện số tiền thuê đất Thảo Cầm Viên Sài Gòn phải nộp hàng năm và số tiền phạt chậm nộp tiền thuê ngày càng tăng, tính đến nay là hơn 846 tỉ đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến dự toán Ngân sách TP và hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như uy tín của đơn vị.

Các đơn vị cùng tìm hướng tháo gỡ vướng mắc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở TN&MT TP.HCM cho biết sẽ làm việc đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn để có hướng dẫn xung quanh vấn đề này.

Phân tích về mặt pháp lý, ThS Ngô Gia Hoàng - Giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM phân tích thời điểm Thảo Cầm Viên Sài Gòn được Nhà nước cho thuê đất là năm 2014 nên áp dụng Luật Đất đai 2013.

Cả Luật Đất đai năm 2013 (Điều 56) và Luật Đất đai năm 2024 (Điều 120) đều quy định “đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh” thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất, được lựa chọn thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm. Ngược lại, “đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh” sẽ được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất"

Như vậy, vấn đề ở đây là phải xác định Thảo Cầm Viên Sài Gòn sử dụng đất có nhằm mục đích kinh doanh hay không để quyết định giao đất hoặc cho thuê đất cho phù hợp.

Theo khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì “kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận”. Nghĩa là, kinh doanh theo pháp luật doanh nghiệp phải hướng đến mục đích “tìm kiếm lợi nhuận”.

Thực tế cho thấy phần lớn diện tích đất của Thảo Cầm Viên dùng cho mục đích nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo tồn các loài động vật, duy tu và bảo tồn phát triển cây xanh, phục vụ cộng đồng, bảo đảm nhu cầu tham quan, học tập, giải trí cho người dân TP.HCM, không hướng đến mục tiêu “tìm kiếm lợi nhuận”.

Việc bán vé của đơn vị này với mức giá rất thấp so với mặt bằng chung nên cần xem đây là hoạt động mang tính hỗ trợ, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính. So sánh số tiền thu từ việc bán vé với chi phí phải bỏ ra để nuôi dưỡng, bảo tồn động, thực vật có thể thấy đơn vị này không có lợi nhuận từ tiền bán vé.

Do đó, nếu tách bạch được các phần diện tích sử dụng làm chuồng trại, cảnh quan công viên với chức năng bảo tồn và dịch vụ công cộng (không vì lợi nhuận) và diện tích đất dùng để kinh doanh dịch vụ (các điểm bán nước uống, thức ăn, đồ lưu niệm, khu trò chơi giải trí...) thì phần diện tích đất sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh cần được giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Một hướng khác là có thể áp dụng quy định về “sử dụng đất kết hợp đa mục đích” cho Thảo Cầm Viên. Cụ thể, theo điểm b khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024 quy định sử dụng đất kết hợp đa mục đích là việc sử dụng một phần diện tích đất của mục đích sử dụng đất chính vào mục đích khác. Đơn cử ở đây mục đích chính là đất công cộng, kết hợp mục đích khác là kinh doanh thương mại dịch vụ.

Diện tích đất sử dụng kết hợp vào các mục đích khác vẫn phải nộp tiền thuê đất hàng năm. Phương án này vẫn là không được miễn tiền thuê đất cho phần kinh doanh nhưng lúc này chỉ cần ra một quyết định giao đất không thu tiền cho toàn bộ diện tích đất (không phải ra quyết định cho thuê đất riêng). Mục đích sử dụng đất vẫn là đất công cộng, phần nào kết hợp kinh doanh thì đơn vị nộp tiền thuê hàng năm phần đó.

Phương án này sẽ phù hợp nếu không tách bạch hay tranh chấp phần nào có kinh doanh phần nào không kinh doanh. Quy định về "sử dụng đất kết hợp đa mục đích" là quy định khá mới của Luật Đất đai 2024, nhiều vấn đề còn cần hướng dẫn thêm.

"Thiết nghĩ, trong thời gian tới, cần xem xét, bổ sung các trường hợp sử dụng đất như Thảo cầm viên vào các đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất hoặc có những quy định đặc thù cho các đối tượng này.

Nếu cứng ngắc áp dụng các quy định của pháp luật thì buộc các đơn vị này phải lấy thu bù chi, tăng giá vé, giá dịch vụ thì không chỉ có đơn vị này thiệt hại mà người dân TP cũng khó được hưởng lợi ích, tham quan giải trí với mức giá như hiện nay"- ThS Ngô Gia Hoàng góp ý.

Sáng 11-12, bên lề kỳ họp lần thứ 20, HĐND TP.HCM khóa X, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ với báo chí về hướng giải quyết đối với việc Thảo Cầm Viên Sài Gòn nợ thuế gần 800 tỉ đồng.

Theo đó sẽ giao Sở TN&MT xem xét, rà soát lại quyết định giao đất, cho thuê đất. Trong đó, TP sẽ thu thuế đối với phần đất sử dụng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, còn phần đất phục vụ mục đích công cộng cần tính toán lại cho phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới