Trung Quốc đang mắc 'hội chứng tự kỷ nước lớn'

Chẳng hạn như trong tác phẩm “Cuộc chạy đua trăm năm” của tác giả Pillsbury, khắc họa Trung Quốc là một cường quốc lắm mưu nhiều mẹo, kế thừa từ trí tuệ ngàn đời cùng khả năng hoạch định chiến lược dài hạn phức tạp, nhằm mục tiêu trở thành một “Trung Thần Thông” giữa lúc phương Tây đang suy yếu.

Lối ứng xử thiếu thận trọng

Tuy vậy, khi đi vào phân tích các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển lân cận, đặc biệt là tại Biển Đông, ta lại chỉ thấy hiển hiện lối hành xử thiếu thận trọng và tự “gậy ông đập lưng ông” trong cư xử với các nước láng giềng.

Chiến lược “Ngoại giao Ngoại vi” của Chủ tịch Tập Cận Bình chính xác là một phản ứng trước các nhận định Bắc Kinh không khéo léo trong quan hệ với các nước láng giềng và đang tự đẩy mình vào thế bị các nước liên kết với nhau để chống lại, dẫn đầu là Mỹ, kế tiếp là Nhật Bản.

Trong năm qua, sau gần một thập kỷ dài gián đoạn, ông Tập Cận Bình đã tập hợp Nhóm Lãnh đạo Công tác Ngoại giao Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc để bàn về các biện pháp khả thi nhằm tránh bị các nước chung biên giới hải đảo xa lánh.

Nhiều quốc gia quan ngại sự hung hăng của Bắc Kinh

Trong quyển sách “Sự trỗi dậy của Trung Quốc đối lập với Logic Chiến lược”, nhà phân tích chiến lược Edward Luttwark đã ví von các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông là những triệu chứng của “bệnh tự kỷ nước lớn”. Luttwark đã chỉ ra Trung Quốc không thể muốn gì được nấy: nếu muốn chuyển đổi sức mạnh kinh tế mới nổi thành chủ nghĩa bành trướng khu vực, nước này vô hình trung sẽ đẩy các nước lân cận vào vòng tay của Mỹ.

Trở thành mối đe dọa an ninh chung

Quay lại những năm giữa thập niên 2000, nhà báo Joshua Kurlantzick nhận định thành công to lớn của Trung Quốc tại châu Á vừa quyến rũ vừa mạnh bạo, đến nỗi Australia đã vui vẻ đón tiếp ông Hồ Cẩm Đào trong khi khước từ bất kỳ chuyến thăm nào của Geogre W. Bush.

Lúc đó, Trung Quốc còn được coi là một siêu cường đang trỗi dậy hòa bình, còn Mỹ là một đế quốc tự mãn đang suy yếu.Hiện nay, Trung Quốc lại bị coi là một mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia của các nước lân cận như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam. Cùng lúc đó, các nước khác như Malaysia, Singapore, Indonesia có tư tưởng thông thoáng hơn về Trung Quốc cũng đang thắt chặt quan hệ với Washington hơn.

Tuy vậy, có một nguyên nhân khiến Trung Quốc, dù luôn cố gắng giành quyền kiểm soát các vùng biển lân cận như chiếm các đảo trái phép tại biển Đông nhằm xây dựng khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ), và tìm cách để được công nhận tình trạng có tranh chấp tại đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông (phía Nhật Bản luôn cho rằng không có tranh chấp tại khu vực này), nhưng nước này không làm mất thiện cảm hoàn toàn từ các nước láng giềng.

Theo đó, Trung Quốc muốn triển khai một cách có hệ thống và đầy tham vọng các nguồn lực tài chính của nước này ra bên ngoài, dùng để khống chế các nền kinh tế các nước đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đẩy láng giềng gần Mỹ hơn

Các nhà phân tích kinh tế như Joshua Cooper Ramo, người đã sáng tạo ra thuật ngữ “Đồng thuận Bắc Kinh” thì xem dấu ấn đang lớn dần của Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu là một sự chuyển đổi địa chấn – tác dụng phụ của tốc độ tăng trưởng kinh tế và kích thước rộng lớn của nước này.

Những quan điểm ủng hộ Đồng thuận Bắc Kinh cho rằng thời kỳ Trung Quốc đang mở ra trong một thế giới hậu Hoa Kỳ, khi các động lực kinh tế và khả năng tiếp cận vốn không còn bị bó buộc vào các quy định chính sách cụ thể như trong thời hoàng kim của đồng dollar Mỹ kể từ hệ thống Bretton Woods ra đời. Tất cả xu hướng đều đang hướng về các hợp tác “đôi bên cùng có lợi”.

Nhưng công bằng mà nói, luận điểm trên chỉ đúng với các năm 2000. Mọi chuyện đã khác sau khi cuộc Đại khủng hoảng năm 2008 làm rung chuyển nền kinh tế phương Tây nhưng không suy xuyển được tốc độ phát triển hai con số của Trung Quốc (cho đến gần đây).

Ngạo nghễ trước chiến thắng buổi đầu, Trung Quốc trở nên hung hăng, lợi dụng các lỗ hổng hệ thống và sự nhẫn nhịn của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ để gây hấn với các quốc gia láng giềng. Thế nên mới có nhận định Bắc Kinh đang mắc "Hội chứng tự kỷ của nước lớn".

Còn tiếp: Phải có 'nhiều lựa chọn' khi 'chơi' với Trung Quốc

Xem kỳ trước: tại đây

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm