Phỏng vấn ba đời nhà Khỉ

Sang đến 2016 (Bính Thân), Khỉ “con” mang trọng trách thực hiện phần việc dở dang “ông”, “cha” để lại…

Như một thông lệ, cứ đến năm Thân là họ hàng nhà Khỉ lại gắn với các sự kiện banh bóng, và lần nào cũng có khối chuyện để các đời nhà Khỉ vừa truyền vừa nối, vừa kế thừa.

Ðời “ông” dị ứng với trò khỉ

. Thưa Khỉ “ông”, “ông” có thể tổng kết nhiệm kỳ đầy khó khăn khi hội nhập?

- Lần đầu bóng đá hội nhập và ấn tượng để đời là 11 chú bỏ đội tuyển vì không thích nghi nổi cơ chế. May mà cuối cùng người ta cũng lèo lái để có một đội tuyển lắp ghép lên đường đá SEA Games 16 - 1991. Giờ thì nhiều người vẫn tiếc với câu “Giá mà 11 chú ấy đừng bỏ về thì ta đã có huy chương!”.

. Xin lỗi! Họ nói 11 cầu thủ đó làm…trò Khỉ?

- Nói vậy là xúc phạm Khỉ! Khỉ cũng có tôn ti trật tự của loài Khỉ. Họ đến tập trung thấy sân Nhổn cỏ cao quá gối, thấy không có ai phục vụ nên rủ nhau bỏ về. Nếu gọi là làm trò khỉ thì họ phải biết bắt chước chứ! Như các bộ môn khác họ vẫn giỏi chịu đựng đấy thôi. Nói nhỏ anh biết thôi nhé, 11 anh đấy vừa bỏ về là có 11 anh khác thế chỗ ngay! Hồi đấy một suất ở đội tuyển đơn vị được tính bằng “cây” chứ đâu phải đùa!

. Sau “ông” là hai nhiệm kỳ tiếp nối, “ông” có hối tiếc?

- Không! Tôi tự hào là đằng khác vì đức tính nhà Khỉ được phát huy cao đặc biệt trong bóng đá.

Ðời “cha” ăn mặn…

. 12 năm trôi qua với vai trò Khỉ “cha”, anh có thể bật mí mình kế thừa phần gì từ đời “ông”?

- Từ việc đi nước ngoài chỉ để học tập và đi buôn, tới đời Khỉ “cha” của tôi thì bóng đá liên tục vào chung kết và chỉ chịu thua Thái thôi. Đời “cha” rõ ràng hơn hẳn đời “ông”.

. Nhưng đời “cha” đá Tiger Cup 2004 trên sân nhà thua ê mặt Indonesia đến 0-3, chưa kể một năm trước khi đăng cai SEA Games thua đau Thái Lan ở chung kết?

- Thì bóng đá mà, cũng phải có lúc thua chứ thắng hoài ai chơi với mình. Sao anh không nghĩ tiếp là một năm sau, 2005 mình lại có bạc…

. Cái bạc với trò Khỉ bán độ ở Bacolod và sau đó là hàng loạt cầu thủ ra tòa?

- Bán độ kiểu đó thì cả nhà Khỉ cũng phải chào thua. Bán thắng với chỉ một bàn để vừa lấy được tiền thưởng của đoàn thể thao, của Liên đoàn bóng đá lại vừa “xơi” được tiền “thưởng” của nhà cái thì quá siêu.

. Nhưng chính đời “cha” các ông đã đẻ ra mục tiêu dự World Cup?

- Cứ đặt chỉ tiêu bừa đi cho đã để đời sau còn có cái mà phấn đấu chứ. Các anh không thấy là nhờ vậy mà nhiệm kỳ nào họ cũng nhớ đến thế hệ của chúng tôi à!

… Ðời “con” khát nước

. Chuẩn bị “thừa kế” từ nhiệm kỳ của “ông” và “cha”, anh có thấy trách nhiệm nặng nề trên vai?

- Chúng tôi sắp đi vào lịch sử với các cơ hội lớn rồi. Những cái mà đời “ông” rồi đời “cha” dang dở, giờ chúng tôi vinh dự nhận lãnh và biến tấu thành cái của riêng mình.

. Nhưng có những cái đời “ông”, “cha” có thì anh lại không có, như tính truyền thống, như những nét đặc trưng riêng…

- Sao các anh cứ so thời bao cấp hay thời bóng đá địa phương với bóng đá chuyên nghiệp bây giờ làm gì. Hồi đó họ có truyền thống nhưng làm gì có hình ảnh cầu thủ ôm ba lô 834 triệu đi bồi thường cho cái chân gãy được phán sai luật. Hồi đó cũng đâu có ông này, ông nọ tham gia FIFA hay AFC. Cũng làm gì có chuyện nhiều đội bóng không cần đào tạo trẻ mà vẫn có cầu thủ giỏi… Họ cứ nhìn cái cũ và rất cũ mà không thừa nhận cái mới đang được cải tiến ngày một tinh vi hơn.

. Anh nghĩ sao khi cầu thủ xuất sắc giải nhà nghề Mỹ vẫn muốn về chơi V-League của ta?

- Trước hết anh phải định nghĩa giải nhà nghề Mỹ gồm những ai? Cái giải từng có Beckham rồi Henry và sau này là Lampard… Họ là những cầu thủ một thời trên khắp thế giới hội tụ về đấy. Giờ thì cầu thủ ngôi sao ở đấy muốn khoác áo V-League, tức V-League có sức hút nhất định. Tôi không hiểu tại sao họ cứ chê V-League, chê chất lượng bóng đá Việt Nam. Thậm chí cứ nhìn cái kiểu trả lót tay với trả lương thì biết tại sao cầu thủ thành công ở giải Mỹ cứ muốn đá V-League mà không sợ gãy chân.

. Nhiệm kỳ anh thừa kế vậy là cái gì cũng có cả, nhưng còn chiếc huy chương vàng SEA Games hay một lần trèo cao ở sân chơi châu Á…

- Cái này đâu có khó gì đâu. Anh chưa nghe các vị nói là không chỉ sẽ có vàng ở vùng trũng mà còn cả cơ hội đi đá World Cup hay sao? Cứ mơ đi…

. Mơ nhiều lắm rồi từ đời “ông” đời “cha”, đến đời nào thì mới thành hiện thực?

- Thì đời “ông” không thành, đời “cha” không xong, đời “con” nếu lỡ chưa đạt thì để đời “cháu” vậy…

. Xin cảm ơn và hy vọng vậy!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm