NHẬT KÝ SEA GAMES

Thể thao Đông Nam Á trôi về đâu?

Gay gắt nhất là của HLV Karatedo Malaysia Arivalagan chỉ trích chủ nhà ép đội nữ đối kháng đồng đội thua Indonesia ở trận chung kết. Ông còn khẳng định mình có bằng chứng hẳn hoi với sự câu kết giữa một trọng tài Malaysia và quan chức Karatedo Indonesia để thống trị vàng môn võ này.

Một ngày sau, HLV Hồ Anh Tuấn tố cáo rằng Taekwondo Việt Nam đã bị chủ nhà ép ra bã khiến các học trò của ông mất nhiều HCV thật oan ức. Trắng trợn nhất là ở nội dung biểu diễn quyền đơn nam của Đình Toàn. Toàn đang là đương kim vô địch thế giới, vô địch châu Á đã bật khóc khi chỉ về nhì Đông Nam Á, thua xa đối thủ chủ nhà Harsono - VĐV chưa bao giờ có cửa ở giải thế giới.

Rạng sáng qua (16-11), đến lượt HLV Minh Tiến của Penkat Silat thẫn thờ báo tin các học trò của mình thất bại nặng nề ở nội dung biểu diễn. Sáu võ sĩ Pencak Silat Việt Nam vào chung kết đều thua trước sáu VĐV chủ nhà Indonesia.

Chuyện trọng tài thiên vị cho chủ nhà là một cái luật bất thành văn mà bất cứ đoàn chủ nhà nào cũng tranh thủ tận dụng để “bóp” các đối thủ nhằm nhảy lên ngôi số một. Đây là điều mà Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Lâm Quang Thành thấu hiểu rất rõ nhưng phải chấp nhận sống chung với lũ vì thế thời nên phải thế. Nó cũng là sự cam chịu của cả Đông Nam Á về lệ làng SEA Games tổ chức ở đâu thì ở đấy nhất toàn đoàn.

Thành viên Ủy ban Olympic Indonesia -Rita Subowo vừa khuyến cáo SEA Games ở những kỳ sau nên cổ vũ các môn thi đấu nằm trong hệ thống Olympic để phát triển thể thao vùng trũng, hơn là khuyến khích các môn truyền thống… không ai chơi.

Chợt giật mình nhớ SEA Games hai năm trước tại Lào, chủ nhà chưa từng có vàng đếm quá ngón của một bàn tay ở các kỳ đại hội trước bỗng dưng đoạt đến 33 HCV.

Hôm qua, ngỡ ngàng nhìn vào bảng tổng sắp huy chương SEA Games 26, đoàn thể thao Myanmar đến hôm qua mới có một HCV. Thế rồi hai năm tới, SEA Games 27 do Myanmar đăng cai, đại hội Đông Nam Á sẽ trôi về đâu…

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm