Ai đủ ‘cơ’ làm chủ tịch VFF?

Một ủy viên Ban Chấp hành VFF tiết lộ ông Lê Hùng Dũng có đến khách sạn Đệ Nhất chuẩn bị cuộc họp chỉ có 10 phút rồi xin về nhà nghỉ ngơi vì đau đột xuất. Ai cũng biết suốt hơn nửa năm qua, ông Dũng bị bệnh nên không thể sâu sát với mọi hoạt động của VFF mà nhiều lúc các phó chủ tịch trong Thường trực có những phát ngôn khác nhau theo kiểu ông nói gà, bà nói vịt. Đấy là nguyên nhân khiến dư luận cho rằng VFF đang mất đoàn kết. Người trong cuộc thì nói là đoàn kết chưa cao vì hiểu lầm nhau.

Hôm qua (29-1), Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng bật mí Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng muốn nhường ghế cho người khác do sức khỏe của ông không bảo đảm. Trong số bốn phó chủ tịch VFF còn lại, chỉ có Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn và bầu Đức có thể tạm thời thay thế ông Dũng nếu tình thế bắt buộc phải lên.

Thực chất ở Hội nghị VFF bất thường ấy cũng có sự thăm dò việc đưa Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn lên thay nhưng chưa nhận được sự đồng thuận. Trong cuộc trao đổi với báo giới sau đó, một bất ngờ khác nữa là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính - tài trợ Đoàn Nguyên Đức thay mặt VFF chủ trì cuộc họp.

Bầu Đức và Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ảnh: Q.THẮNG

Bầu Đức có những câu trả lời xác đáng, đi thẳng vào chủ đề chính. Nó khác hẳn với kiểu nói vòng vo, tranh thủ “đánh võng” của nhiều quan chức VFF khác thường làm cho thông tin thiếu tính minh bạch hoặc không giải quyết được vấn đề. Sau cuộc trao đổi ấy, bầu Đức cười nói, đến từng chỗ ngồi bắt tay các PV thoải mái như vừa tháo gỡ được một nút thắt quan trọng về việc sa thải HLV Miura. Một PV hỏi nửa đùa nửa thật: “Ông vừa ngồi trên chiếc ghế chủ tịch VFF làm chủ tọa cuộc họp báo và nếu sau này ông làm thật thì sao?”. Bầu Đức tưng tửng: “Biết đâu đấy!”.

Chợt nhớ gần hai năm trước, lần đầu tiên bầu Đức chịu làm “quan” VFF chính nhờ sự trông cậy của Chủ tịch Lê Hùng Dũng. Hồi đó, vì nể bạn từng chung xuồng trong nhiều vụ cải cách ở VPF và bởi lời hứa sẽ đầu tư cho lứa cầu thủ Học viện HA Gia Lai Arsenal làm nòng cốt cho các đội tuyển quốc gia mà bầu Đức đã nhận lời. Cũng nhờ bầu Đức chịu làm phó chủ tịch VFF mà ông Dũng hồi ấy mới mạnh miệng tuyên bố ông sẽ mang về cho VFF mỗi năm hơn 300 tỉ đồng.

Rốt cuộc những dự án chương trình hành động hùng hồn của chủ tịch VFF gãy đổ khi chưa đi nổi nửa nhiệm kỳ, từ việc thuê nhầm thầy ngoại Miura, xóa lời hứa xây dựng trụ cột đội tuyển từ nhóm cầu thủ HA Gia Lai cho đến ngân quỹ của VFF hạn hẹp phải giật gấu vá vai. Rõ ràng nếu ông Dũng và bầu Đức có cùng chí hướng, mục đích thì VFF có thể sẽ mạnh lên, không ngờ…

Nếu ông Dũng xin rút và nếu có một cuộc bầu bán dân chủ, ngoài bầu Đức thì khó có ai đủ “cơ” làm chủ tịch VFF, kể cả Phó Chủ tịch VFF Thường trực Trần Quốc Tuấn. Thực tế khi ông Dũng bị bệnh đã từng giao cho ông Tuấn thay mặt giải quyết mọi chuyện ở VFF. Thế nhưng sau một thời gian cho thấy ông Tuấn quá bận rộn “bay show” và thiếu sự tin cậy của người trong nhà.

Biết đâu đấy bầu Đức sẽ làm chủ tịch VFF!

Dẹp loạn’ ở VFF

Các nhà làm bóng đá có một nhận định nếu bầu Đức chịu thay ông Lê Hùng Dũng làm chủ tịch VFF sẽ không khó “dẹp loạn” mâu thuẫn theo kiểu chín người 10 ý. Cũng nhờ cái tính thẳng và cái tâm không vụ lợi, bầu Đức sẽ không để tồn tại tư tưởng tham quyền cố vị hoặc ngồi mát ăn bát vàng trong ngôi nhà chung này. Dĩ nhiên cái khó đầu tiên của bầu Đức nếu ngồi ghế chủ tịch VFF là thời gian không cho phép ông sâu sát trong mọi hoạt động của VFF. Hơn nữa, cấp phó của ông phải là những người vì cái chung cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam chứ không phải vì quyền lợi riêng cho mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm