Ai kiểm soát V-League?

Có quá nhiều trận có “mùi” nhưng ban tổ chức giải vẫn bó tay. Khi mà ông chủ nợ tiền thưởng vài trận thì cầu thủ “nằm” để thua với tỉ số hơn một ván tennis cho bõ ghét và tạo sức ép để ông chủ buộc phải chi tiền tươi. Hoặc có những đội bóng đã dư điểm và không còn mục tiêu sẵn sàng thi đấu dưới sức để những đối thủ cần điểm cải thiện thứ hạng; hay các cổ động viên ngán ngẩm đốt khăn thêu tên đội nhà hoặc diễu hành với băng rôn đề nghị ban tổ chức xử lý các trận đá cuội không muốn thắng của đội nhà… Nguy hiểm hơn là những nhà tổ chức đều nhanh nhảu khẳng định điều ngược lại với người hâm mộ và giới chuyên môn như để xóa sổ đen cho các đội tiếp tục “diễn trò” ở các vòng đấu cuối.

Với tình hình như thế này, bóng đá Việt Nam sẽ đi về đâu?

Những hình ảnh đẹp như thế này đang bị đánh mất dần bởi niềm tin sút giảm. Ảnh: XUÂN HUY

Thực tế đó là một vấn đề mang tính sống còn của bóng đá Việt Nam hiện nay. Khi V-League bước vào giai đoạn hai là đã có hàng loạt trận đấu vuột khỏi tầm kiểm soát của ban tổ chức giải. Lãnh đạo đội bóng thì nghi ngờ cầu thủ chơi độ bằng cách vừa đánh với nhà cái vừa đá theo ý mình; cầu thủ thì mượn hơi những mối quan hệ giữa lãnh đạo các đội với nhau và tự điều chỉnh…

Hãy thử tưởng tượng tình hình này cứ tiếp tục diễn ra thì những quy chế được xây dựng từ ban tổ chức giải, từ LĐBĐ Việt Nam, từ CLB sẽ trở nên vô tác dụng. Bên cạnh đó ông bầu xây dựng đội bóng cho mình để phát triển thương hiệu; hoặc nhà tài trợ như Toyota hay nhiều nhà tài trợ khác sẽ rát mặt như thế nào khi nhảy vào bóng đá Việt Nam có quá nhiều điều bất ổn và làm xấu đi hình ảnh những thương hiệu.

Toyota nở mặt nở mày khi tài trợ Thai-League vì công ty tổ chức giải này và ban tổ chức CLB đã không ngừng học hỏi để hoàn thiện giải đấu của người Thái. Họ kéo khán giả ngày một đến sân đông, mang đúng tính chất những ngày hội của Thai-League. Ngược lại, V-League khán giả ngày càng ngao ngán vì kiểu “đá ma” của nhiều đội bóng, đặc biệt ở giai đoạn cuối chạy điểm để trụ hạng.

Trò chuyện với một cựu cầu thủ chuyên nghiệp, anh này nói rằng không xem V-League vì không còn yếu tố bất ngờ và vì “diễn” nhiều quá. Còn với những trận có tính cạnh tranh thực sự thì lại nặng nề nạn bạo lực rồi thành phần nào cũng có thể nhảy bổ vào sân…

Chính một HLV đến từ Nhật đến Việt Nam để truyền bá thứ bóng đá sạch, đẹp và nhân văn đã phải ngao ngán đặt ra dấu hỏi: “Khi cầu thủ được trả lương thì có nghĩa là họ phải nỗ lực hết mình với đồng lương đó cùng nghĩa vụ phải hết mình để giành chiến thắng, thế thì tại sao nhiều đội bóng lại phải trả thêm các khoản tiền cho chiến thắng đấy bằng những khoản thưởng rất lớn. Đấy là điều bất hợp lý của bóng đá Việt Nam mà theo dõi lâu tôi mới hiểu là có khi không có khoản đấy thì họ không muốn đá thắng hay cố tình thua…”.

Ai kiểm soát được V-League khi những mặt xấu làm giảm giá trị giải đấu này cứ tăng dần?

Nỗi khổ của những người đi chào hàng cho bóng đá Việt Nam

Một lãnh đạo từng phụ trách về mặt tài chính của VFF chia sẻ rằng ông rất khổ khi làm việc với các doanh nghiệp, các đối tác đề nghị tài trợ cho bóng đá Việt Nam. Khi đặt vấn đề đấy thì ông gặp không ít những lời trách móc rằng “Tại sao chúng tôi lại phải tài trợ cho một giải đấu mà thương hiệu của giải cũng không được chăm chút và ngược lại còn hay bị chỉ trích, phê phán rất nhiều thì tất nhiên thương hiệu của chúng tôi khi tài trợ cho những giải đấu này cũng bị ảnh hưởng”. Và có một thực tế là những nhà tài trợ cho bóng đá Việt Nam hiện nay hầu hết đều dựa vào những mối quan hệ nhiều hơn là xếp hàng xin tài trợ như ở Thai-League, J-League hay K-League, S-League đang được các nhà tài trợ quan tâm.

NH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm