Bốn mảnh đời sau phiên tòa bóng đá - Bài 1: Quốc Anh và trận đấu cuộc đời

Sau biến cố cuộc đời, Quốc Anh đã lớn lên rất nhiều và chiều qua khi trở lại người xem đã thấy một Quốc Anh chững chạc chứ không còn là thằng bé chạy lon ton và ngượng ngùng như khi mới lên tuyển.

Quốc Anh bây giờ không còn quan tâm đến chuyện hồi đấy mình nhận hết và nhận thay cho Phước Vĩnh để bạn thoát tội là “anh hùng” hay là “ngu” mà nó chỉ quan tâm đến việc mình sẽ đứng dậy sau lần vấp ngã ấy như thế nào.

Sau bốn tháng trở về từ trại giam T.16, Quốc Anh đã tính ngay đến chuyện... đi học. Anh lao vào học tiếng Anh và tin học dù vác mặt đi học không đơn giản chút nào. Quốc Anh từng tâm sự: “Em từng tự hỏi mình rằng trong trường hợp xấu nhất, mình không thể đá bóng nữa thì làm gì? Phải học cái gì đó để kiếm một cái nghề chứ. Sau đó đến lúc nghĩ mình có thể được giảm án và được trở lại sân cỏ thì tiếp tục nghĩ mình vẫn phải học trong thời gian thử thách...”. Dạo ấy, Quốc Anh học nhiều mà đọc sách cũng nhiều...

Quốc Anh đã thay đổi rất nhanh và rất nhiều theo nghĩa tích cực. Từ một thằng bé khờ khạo, ai nói gì cũng dạ, cũng gật, thích trêu chọc người khác, giờ Quốc Anh đã làm nhiều người ngạc nhiên về cách sống của mình. Trầm hơn, hay suy tư hơn và chín chắn hơn. Bây giờ nhìn Quốc Anh rõ ràng thấy “thằng bé” ngây ngô ngày nào già hơn tuổi 22 rất nhiều.

Quốc Anh từng tâm sự trong thời gian chịu án và phải trả giá với sự khờ khạo của mình, nó không đủ can đảm nhìn mặt thầy Lê Thụy Hải dù Quốc Anh rất muốn một lần gặp tận mặt để quỳ dưới chân thầy xin lỗi. Quốc Anh kể: “Em còn nợ “bố” Hải mà không biết làm sao để đủ can đảm mà xin lỗi “bố”. Em còn nhớ ngày ở Philippines, trước trận gặp Myanmar, “bố” Hải gọi riêng em và Phước Vĩnh ra rồi dặn dò thật kỹ: “Thằng nào đá sao thì kệ, cứ đá phần mình và đá cho đàng hoàng nhé!”. Nghe “bố” Hải nói, lúc đấy em không dám nhìn mặt “bố”. Rồi những ngày ra Hà Nội theo yêu cầu của cơ quan điều tra, khi chỉ có hai thầy trò với nhau, “bố” vẫn tỉ tê khuyên: “Có gì con phải nói hết với công an nhé, hứa với bố là không được giấu giếm cái gì nhé!”. Vậy mà em đã hai lần chối “bố”. Từ đó, em cứ bị day dứt mãi. Muốn xin lỗi “bố” và được nhìn thẳng vào mắt “bố” nhưng em vẫn không dám...”.

Quốc Anh nói rằng mình sớm thành công ở CLB, rồi lên đội U-23 và đá chính là nhờ công không nhỏ của “bố” Hải, thế mà vì Quốc Anh “bố” phải mất việc ở Đà Nẵng với bao ước mơ mà “bố” ấp ủ ở đấy. Điều mà bây giờ cứ nghĩ lại là nó thấy mình có lỗi với “bố” nhiều lắm.

Thời gian vừa chịu án treo vừa tập để có thể trở lại mà không bỡ ngỡ, Quốc Anh như một cái máy. Sáng chạy lên đội tập, chiều cũng ra sân tập rồi về ăn cơm và cắp sách đi học. Khi đội đá sân khách thì Quốc Anh xách giày tập cùng đội nhỏ. Sau này được xách giày đi theo đội lớn, Quốc Anh rất thích và tập hăng lắm. Đấy cũng là lý do chiều qua khi được ra sân đá ở Lạch Tray cùng đội Hải Phòng, Quốc Anh chạy rất dữ và hòa nhập cũng rất nhanh. Chỉ có điều đội thua nặng quá nên... buồn. Sau trận đấu, Quốc Anh tâm sự: “Buồn vì đội thua nhưng đấy là trận đấu mà cuộc đời em không thể nào quên được. Em như được sinh ra một lần nữa và rất hạnh phúc với sự trở lại mà với em cứ như là một giấc mơ. Sống lại trong không khí bóng đá này thật hạnh phúc...”.

Nỗi đau và nước mắt

- Ngày rời trại giam, việc đầu tiên của Quốc Anh là thuê xe chạy ngay đến quán bánh tôm Hồ Tây nơi đội tuyển vẫn hay đến vào mỗi dịp liên hoan. Đến rồi nhìn khung cảnh cũ mà mắt Quốc Anh cay xè.

- Quốc Anh còn kể lần đầu tiên ra trại được xem đội tuyển đá qua truyền hình. “Cảm giác trong em lúc ấy thật khó tả. Nhìn cả đội đứng chào cờ hát quốc ca rồi khóc rưng rưng và tắt tivi trốn đi thật xa”...

LIÊM THANH - DƯƠNG TỰ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm