Bóng đá TP.HCM năm 2013: “Chúng tôi sẽ…”

Cảm giác của hầu hết mọi người có mặt tại buổi lễ là nó cứ nhàn nhạt… Cánh báo chí thì trông chờ một thông tin nặng ký, mang tính đột phá nào đó về phương hướng phát triển bóng đá đỉnh cao TP.HCM trong năm tới và những năm tới… nhưng không thấy. Toàn là “chúng tôi sẽ…”.

Điệp khúc sẽ

Phần lớn thời lượng là phần thuyết trình trang web mới của HFF do ông Nguyễn Quốc Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Densu xướng ngôn. Trong đó có việc mua vé xem bóng đá qua mạng. Hệ thống các sân bóng, sân cỏ nhân tạo, Futsal đều có thông tin, giá cả, địa chỉ trên trang web này… Rồi đến những phần quan trọng nhất thì lãnh đạo HFF lại hứa… “Chúng tôi sẽ…”. Thực chất cái từ “sẽ” bao năm nay người dân chán ngán rồi. Bây giờ cái từ “sẽ” ấy cũng đóng vai trò xuyên suốt trong cuộc họp báo sáng qua của HFF.

Bóng đá TP.HCM năm 2013: “Chúng tôi sẽ…” ảnh 1

Các thành viên chủ trì buổi họp đầu năm của LĐBĐ TP.HCM. Ảnh: XUÂN HUY

“Sẽ”, “sẽ” và “sẽ” cho đến một ngày nào đó hết nhiệm kỳ thì cũng thôi… Đó là cách hứa và cách đối phó. Phóng viên Văn Quyên của báo Người Lao Động hỏi: “Người hâm mộ TP.HCM mong có một đội bóng V-League mà các cầu thủ trưởng thành từ bóng đá TP.HCM thì khi nào HFF làm được?”. Tổng Thư ký Trần Đình Huấn trả lời: “Mùa bóng 2016… chúng tôi “sẽ” có đội V-League mà bây giờ đang là… hạng nhì. Trong thời gian tới nếu có điều kiện chúng tôi “sẽ” mở các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, “sẽ” xây dựng học viện”. Không ngờ cái từ “sẽ” nó là cứu cánh cho nhiều thứ có khi cả một nhiệm kỳ chỉ toàn là “sẽ” cũng đối phó được dư luận. Về cách tìm tiền cho bóng đá TP.HCM, ông Chủ tịch HFF Trần Anh Tú thừa nhận: “Hiện nay chúng tôi cũng rất lúng túng trong việc đưa ra sản phẩm để chào bán và kiếm tiền để về tái đầu tư lại cho bóng đá. Chúng tôi “sẽ” tìm cách khắc phục…”.

Nhà báo Dư Hải bức xúc nêu ra những câu hỏi: “Chuyện Futsal với thực trạng có giải là có chuyện đánh nhau, đánh trọng tài, kiện cáo, tố nhau… làm sao giải quyết thực trạng này mà mới đây là vụ một cầu thủ của Thái Sơn Bắc đánh trọng tài tại giải ở Nha Trang...”. Ông Chủ tịch HFF Trần Anh Tú cũng là ông bầu của hai đội Futsal Thái Sơn Bắc và Thái Sơn Nam khiến mọi người chưng hửng: “Thực tế kể từ sau giải năm 2008 ở quận 6 TP.HCM, cầu thủ đánh trọng tài và đến bây giờ mới lặp lại lần thứ hai…”. Ông Tú còn cho rằng sự cố xảy ra ở Nha Trang vừa qua thì giải không thuộc trách nhiệm của HFF. Còn ban tổ chức ở Khánh Hòa xử lý kỷ luật thế nào là tùy ban tổ chức.

Bóng đá khó đi lên

Điều nhiều người trông chờ là ông chủ tịch phải nhìn nhận thật sâu sắc những chuyện dạng như thế và hướng giải quyết ra sao khi nhiều chuyện liên quan đến đội bóng của ông quản lý. Việc ông xử lý ra sao với đội của mình nó cũng giống như ông “tề gia” ra sao rồi mới “bình thiên hạ” ở cái chức chủ tịch HFF.

Qua cách trả lời qua loa và né những vấn đề nhức nhối của ông Trần Anh Tú, e rằng khi ngồi ghế chủ tịch HFF ông lại qua loa với kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi và nhập nhằng chuyện giải chung đội riêng sẽ rất khó để bóng đá TP.HCM cất cánh như kiểu nói: “Chúng tôi sẽ…”.

Tiếp đến nhà báo Sỹ Huyên của báo Tuổi Trẻ xoáy vào phần… thống kê của HFF. Ông Huyên hỏi: “Liệu HFF có thống kê trên địa bàn TP.HCM có bao nhiêu sân bóng?” Câu hỏi đưa ra trong lúc ông Lương Thế Tài đang diễn giải. Thế rồi ông Tài cũng hẹn: “Chúng tôi sẽ… thống kê cụ thể sau”.

Thực tế thì một cuộc họp báo thông báo kế hoạch hoạt động bóng đá TP.HCM cho năm 2013 nhưng nó cứ nhàn nhạt ở cái phần chính là chương trình hành động ra sao cho bóng đá sân cỏ đỉnh cao năm 2013. Thay vào đó, bóng đá Futsal, sân cỏ nhân tạo thì chiếm thời lượng quá nhiều và điều này khiến người hâm mộ có quyền lo.

Giới chuyên môn và người hâm mộ mong các vị hãy nhìn thẳng vào thực trạng bóng đá TP.HCM để mà hành động quyết liệt thay cho những báo cáo sáo rỗng và vô bổ.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm