Bóng đá TP.HCM và những lần đổi phiên hiệu: Tiền không mua được tiên

Thương vụ đình đám nhất, vụ chuyển phiên hiệu đầu tiên của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là đội Công an TP.HCM chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á năm 2004.

Có tiền là mua được đội bóng nhưng phát triển thì tiền không chưa đủ

Khi ấy ông Nguyễn Tấn Bền làm chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á không ngần ngại tiết lộ: “Mục tiêu của chúng tôi là khuếch trương thương hiệu và trước mắt là các nước Đông Nam Á”.

Vì lẽ đó khi tiếp nhận đội, lãnh đạo gây tiếng vang bằng việc mời bốn ngôi sao của Thái Lan là Chaiman, Niweat, Pitchipong, Sakda về đầu quân. Tuy nhiên, làm bóng đá không phải là cứ có tiền nhiều mua sao nhiều là tốt. Đội nhiều sao nhưng năm ấy vẫn rớt hạng, năm 2005 nỗ lực thăng hạng nhưng lại dính vào vụ quan chức hối lộ trọng tài và bị đánh xuống hạng nhì. Đến lúc đấy thì Ngân hàng Đông Á đành chấp nhận bán rẻ đội bóng cho Đồng Tâm lấy tên là đội Sơn Đồng Tâm thi đấu giải hạng nhì. Lúc này thì Đồng Tâm lại hưởng lợi khi mua rẻ đá một giải lên hạng, rồi bán đắt cho Ninh Bình đá hạng nhất và nay là đội Vissai Ninh Bình ở chuyên nghiệp.

Bóng đá TP.HCM và những lần đổi phiên hiệu: Tiền không mua được tiên ảnh 1

CLB Ngân hàng Đông Á mua lại từ đội Công an TP.HCM chỉ vài ngày sau ngày vui lên hạng là scandal hối lộ trọng tài và bị đánh rớt hạng rồi bán. Ảnh: XUÂN HUY

Tương tự, Thép Miền Nam tiếp nhận đội Cảng Sài Gòn rồi chuyển phiên hiệu và đổi tên là CLB TP.HCM. Việc đổi tên, chuyển phiên hiệu sau khi chuyển ông chủ mới vẫn không làm đội bóng mạnh lên bởi mất mát lớn nhất là tính truyền thống thì lại không được chăm chút.

Nhiều đơn vị, nhiều ông chủ đổ tiền ra làm bóng đá cứ nghĩ đơn giản như trong kinh doanh theo kiểu cá lớn nuốt cá bé. Thực chất thì cá lớn có lúc lại là mồi cho cá bé nếu cứ rập khuôn làm kinh tế vào làm bóng đá.

Đầu tư đội bóng để… xin đất, xin cần câu

Đến nay, khi các đội bóng TP.HCM tuột dần và rời xa tiêu chí bóng đá thì nhiều lãnh đạo ngành thể thao mới thốt lên: "Sai lầm hay cố tình sai lầm lớn nhất của những nhà lãnh đạo bóng đá TP.HCM là khi chuyển giao đội bóng cho một doanh nghiệp nào không có ràng buộc về những đề án phát triển khoa học cùng sự giám sát thực thi bởi LĐBĐ TP.HCM."

Cuối mùa 2009, đội TP.HCM rớt hạng, tình hình lâm vào thế bi đát, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân có buổi gặp mặt với đại diện các đội bóng TP.HCM tại trụ sở đội TP.HCM. Tại đây, lãnh đạo đội bóng đưa ra đề án phát triển bóng đá không nằm trong hướng phát triển bóng đá thực thụ mà đa phần là… xin đất, xin cơ chế để làm kinh tế lấy tiền nuôi đội bóng. Chẳng hạn CLB TP.HCM xin đất vàng ở quận 7, ngay chỗ đội TP.HCM đóng quân để xây dựng khu căn hộ cao cấp cho cầu thủ và để… kinh doanh. Thậm chí là xin cả việc quảng cáo ngoài trời để lấy tiền nuôi bóng đá. Không chỉ đội hạng nhất xin đất, một đội hạng nhì ít tiếng hơn là Dược phẩm Cần Giờ cũng lên tiếng xin đất. Rồi đến đội Saigon Utd. vừa bị xuống hạng cũng xin…

Lạ thay việc xin đất không được chấp thuận, thế là những ông chủ cũng xìu luôn trong việc đầu tư, thế là các đội bóng xìu cho đến khi tan rã, rớt hạng…

Thế mới thấy bóng đá TP.HCM đằng sau những vụ chuyển đổi phiên hiệu là những mục tiêu khác, núp danh bóng đá có thể đạt được những mục tiêu khác.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm