Các lò đào tạo trẻ điêu đứng

>> Bài 1: Chuyện của những ông bầu

>> Bài 2: “Trọc phú” làm bóng đá

>> Bài 3: Cầu thủ nhập tịch để đổi đời

Chính ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã nhìn nhận thị trường chuyển nhượng cầu thủ bất hợp lý nhưng để phòng và chống sự bát nháo như mấy mùa qua là không dễ. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp không cho phép các CLB tiếp xúc với cầu thủ khi mùa giải chưa kết thúc và khi hợp đồng của cầu thủ với cơ quan chủ quản còn trên sáu tháng. Thế nhưng đấy chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế “chợ” mua bán cầu thủ qua các tay “cò” vẫn diễn ra ì xèo và ngấm ngầm vẫn chưa có thuốc trị dứt điểm.

Người môi giới cầu thủ hợp pháp phải có giấy chứng nhận của FIFA và thường đại diện cho cầu thủ rồi nhận lương, hoa hồng từ các hợp đồng. Thế nhưng bóng đá Việt Nam chưa có khái niệm ấy và hầu hết là những cuộc đi đêm lấy cầu thủ của nhau. Các CLB sở hữu cầu thủ biết hết mà cái chính là không có bằng chứng tố cáo các tay “cò” tiếp xúc trái phép với cầu thủ.

Đầu mùa 2009, Khánh Hòa từng đòi kiện Ninh Bình lôi kéo bốn cầu thủ giỏi của họ nhưng rốt cuộc vẫn phải ngậm bồ hòn vì không có chứng cứ.

Gần cuối mùa bóng qua, Việt Thắng đang chơi ngon lành trong đội hình Gạch bỗng dưng... đau chân và sa sút phong độ. Tuy nhiên, HLV Rose Luis lại không khó bắt bệnh của Việt Thắng là chấn thương cái đầu vì bị CLB khác lôi kéo. Bầu Thắng từng cưu mang Việt Thắng khi còn án treo giò của VFF nhưng vẫn cho đi không tiếc, vì ông thừa hiểu bóng đá thời nay đồng tiền đã làm lu mờ đi nhiều giá trị khác.

Chiến dịch đồng tiền đi trước của các doanh nghiệp nhảy vào bóng đá theo kiểu ăn xổi đã khiến nhiều lò đào tạo cầu thủ nổi tiếng phải khai tử. Cầu thủ bây giờ có khi không cần phải qua tay “cò” cũng tự biết cách tung hỏa mù làm giá cho mình.

Sông Lam Nghệ An là cái nôi đào tạo trẻ có tiếng và mùa nào những cầu thủ giỏi cũng bị các đội khác “bắt” đi nhưng vẫn chưa có cách cầm máu do vướng quy chế. Giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm rất bức xúc với cái kiểu đi đêm hứa hẹn của các đối thủ với cầu thủ mà mình vẫn bất lực. Ông từng thách giá Công Vinh cả triệu USD để phá đám “cò” nhưng vừa qua tuổi 23 thì Công Vinh lại được “hướng dẫn tường tận” để đi với khoản lót tay tám tỷ đồng.

Ngay cả khi vụ việc đưa lên VFF phân xử vẫn không đi đến đâu. Như vụ Mai Tiến Thành ung dung về Ninh Bình với hai bản hợp đồng khác nhau và cuối cùng là đơn vị đào tạo cầu thủ thiệt thòi.

Đồng Tháp mùa nào cũng bị mất cầu thủ giỏi do mình đào tạo và đầu mùa bóng qua có bốn cầu thủ bị lôi kéo, đến nỗi họ phải dùng hạ sách bắt đi nghĩa vụ quân sự để dằn mặt.

Nam Định giờ chót trụ hạng V-League thì vài ngày sau mất luôn tám cầu thủ trụ cột vì không có tiền giữ chân khi họ trên 23 tuổi. Chủ tịch CLB Đỗ Thanh Xuân than thở: “Cầu thủ bây giờ nói chuyện bằng tiền chứ không phải vì tình cảm nữa. Bao nhiêu năm chúng tôi đào tạo ra một lứa cầu thủ giỏi, chưa dùng được bao lâu thì các CLB khác bỏ tiền ra lấy hết. Cứ đà này thì các lò đào tạo trẻ ở Việt Nam chết hết!”.

Từ vụ chuyển nhượng Minh Phương gây ì xèo hồi năm 2004 cho đến nay, thị thường mua bán cầu thủ vẫn diễn ra bát nháo. Đấy cũng là một nguyên nhân lớn khiến HLV Calisto phải buột miệng: “Bóng đá Việt Nam có tiến bộ hơn sau năm năm nhưng cầu thủ U-23 bây giờ kém hơn và trình độ chỉ bằng 1/10 đội tuyển U-23 năm 2007”.

- HLV Nguyễn Văn Thịnh (Sông Lam Nghệ An): “VFF cần phải sửa lại quy chế cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp mới có thể khuyến khích các CLB đào tạo trẻ. Sông Lam Nghệ An sau cả chục năm đào tạo cả trăm cầu thủ mới có vài cầu thủ chơi được. Thế nhưng chúng tôi chỉ được ký hợp đồng ba năm và khi vừa qua 23 tuổi, các CLB khác không đào tạo bỏ tiền ra lấy mất. Sao VFF không dùng luật để ngăn cảnh cốc mò cò xơi?”.

- Trưởng đoàn Nguyễn Hưng Thái (Nam Định): “Mùa bóng tới chúng tôi mất tám cầu thủ mà chẳng thu lại đồng nào sau 10 năm đào tạo họ. Rất nhiều CLB đã mất công, mất của huấn luyện cầu thủ trẻ từ lúc 12-13 tuổi đến khoảng 21 tuổi mới bắt đầu chơi được rồi đến 23 tuổi thì bị lấy đi. Nếu VFF không có biện pháp bảo đảm quyền lợi của CLB, tôi e rằng rất nhiều địa phương sẽ chán nản và bỏ rơi công cuộc đào tạo trẻ”.

NHÓM PHÓNG VIÊN THỂ THAO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm