Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương:

“Cần chiến lược hơn chiến thuật”

Ông Đoàn Minh Xương không ngại ngần nhìn thẳng vào những vấn đề gai góc nhất mà bóng đá Việt Nam đang vấp phải và một vài nhận định về sửa đổi trong nhiệm kỳ mới.

Phải có người chịu trách nhiệm

Theo tôi nghĩ, vấn đề của bóng đá Việt Nam mới chỉ chăm chú giải quyết khâu chiến lược chứ không làm chiến thuật. Dĩ nhiên VFF trước mắt phải chăm sóc cho bóng đá nữ lấy vé World Cup 2015 ở vòng chung kết châu Á 2014 hay việc chuẩn bị cho U-19 Việt Nam thi đấu tốt ở vòng chung kết U-19 châu Á, song song với củng cố lực lượng kế thừa cho đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2014.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ mới VII VFF cần có một chiến lược đồng bộ hơn và phải tính được sau khi kết thúc sẽ để lại “gia tài” gì cho nhiệm kỳ VIII. Tôi thấy bộ máy VFF hiện nay đông người không cần thiết theo kiểu nhất thế nhì thân và quan liêu quá. Ví như cái Văn phòng 2 VFF tại TP.HCM có chức năng và nhiệm vụ gì?

Điều quan trọng nhất là mỗi công việc chuyên môn cụ thể phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể cứ đổ qua đổ lại. Chẳng hạn, trong ban chấp hành mới, ai có nhiệm vụ phát triển bóng đá chuyên nghiệp? Kế hoạch trong tình hình kinh tế khó khăn thì có cần chỉ 10-12 đội V-League hay cứ phải đôn lên nhiều cho đủ tụ? Hạng nhất có tám đội là ngược lại với thế giới. Thay vào đó phải mở rộng ra như cái chân đế 16 đội và không cho cầu thủ ngoại như lứa kế thừa của đội một và đội U-23. Nghĩa là chỉ có những đội nào thực sự có điều kiện thì đá V-League và phải tính ra lộ trình bao nhiêu năm rồi khi kết thúc nhiệm kỳ này thì mình đạt được cái gì. Theo tôi nghĩ, chiến lược này có thể mất hai nhiệm kỳ bởi HA Gia Lai sau bảy năm mới có một lứa 19 tuổi thôi.

 
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương chỉ ra những bất cập trước Đại hội VFF nhiệm kỳ VII và mong có sự thay đổi tích cực. Ảnh: XUÂN HUY

Đừng lên gân và gây áp lực

Tôi thấy ở mảng đào tạo trẻ, ai cũng thấy mô hình của HA Gia Lai đang làm phù hợp, hiện đại, hiệu quả thế sao không đưa ra khuyến cáo cho các CLB và yêu cầu áp dụng trong toàn quốc? Hoặc các CLB có thể tìm hiểu hoặc nhờ tư vấn để làm sao cả nước có vài chục “lò” như HA Gia Lai như người Nhật đang có thì lúc đó mới mơ cao.

Tôi thấy khó nghĩ khi nhắc đến giải U-19 quốc gia đang thi đấu ở Pleiku không thấy ai quan tâm. Lẽ ra phòng các đội tuyển phải lên xem rồi ghi nhận có bao nhiêu cầu thủ U-19 tiềm năng có thể tuyển chọn lên tuyển. Tôi lại nghĩ cái cách đào tạo cầu thủ cho ASIAD 2019 của mình hiện tại có phù hợp không? Nếu tính kỹ VFF phải rà soát các CLB trên cả nước có bao nhiêu cầu thủ U-18 để theo dõi và hình thành hệ thống thi đấu trong ba năm. Sau đó VFF sẽ chọn ra 40 cầu thủ chất lượng nhất và mời chuyên gia về dạy dỗ. Thế là chúng ta có một đội hình tốt hơn nhiều vì không bỏ sót nhân tài, thay vì hiện nay chỉ có 25-30 cầu thủ thuộc loại hàng dạt của các CLB.

VFF phải tranh thủ đặt vấn đề với Chính phủ về thực thi bản quyền truyền hình vì đấy là nguồn thu lớn nhất cho bóng đá. Song song đó VFF cần thay đổi cơ chế và những yếu tố nền tảng để tạo niềm tin khán giả đến sân, thu hút nguồn thu của các nhà tài trợ truyền thống. Một khi khán giả chịu mua vé đến sân thì các nhà tài trợ sẵn sàng bỏ tiền ra bởi họ chính là nhà sản xuất, không phải nhà băng.

Kế hoạch chiến lược đồng bộ trong nhiệm kỳ tới phải đặt rõ yếu tố nền tảng như CLB chuẩn chuyên nghiệp, nguồn tài chính căn cơ, hấp dẫn khán giả đến sân, chú trọng đào tạo cầu thủ, HLV, quản lý giỏi,…

Tôi cũng như rất nhiều người yêu bóng đá đều ở thế chờ đợi và hy vọng vậy thôi, vì nhìn qua nhìn lại VFF nhiệm kỳ mới vẫn là những con người cũ.

CÔNG TUẤN

 

Nhà nước và doanh nghiệp chung tay

“Cần chiến lược hơn chiến thuật” ảnh 2
 

Về chuyện tài chính - tài trợ ở thời buổi khó khăn vẫn còn Eximbank, HA Gia Lai, ĐT Long An hay mới đây là B. Bình Dương chung sức chi tiền là rất đáng quý. Thế nhưng nó chỉ giải quyết việc trước mắt chứ không có tính chất lâu dài. VFF nhiệm kỳ mới phải biến bóng đá trở thành sản phẩm tốt, đừng lợi dụng vào tình thương của ông bầu nữa. Vì thế VFF nhiệm kỳ mới cần đề đạt và tranh thủ các chính sách giúp Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm bóng đá chuyên nghiệp. Ví như việc đào tạo trẻ cần có Nhà nước lo, doanh nghiệp chỉ lo đội một thôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm