Câu chuyện cuối tuần: Đồng Tháp “gả” Trịnh Phát Đạt cho An Giang

Hơn 10 năm quen nhìn Trịnh Phát Đạt mặc màu áo Đồng Tháp, mấy ngày qua, tại giải xe đạp Bình Dương, trông Đạt trong trang phục thi đấu của BVTV An Giang ai cũng thấy lạ. Lạ hơn ở chỗ sự rũ áo ra đi của Đạt khỏi nơi nổi tiếng “triệt” người tài bằng mọi cách cũng dễ như khi anh mon men đến làm quen với xe đạp.

Với Đồng Tháp, cái tên Trịnh Phát Đạt như đã trở thành một phần không thể tách rời của bộ môn xe đạp vùng sông nước. Tại giải đấu nổi tiếng nhất nước là Cúp Truyền hình TP.HCM, ngoài nhiều chức vô địch đồng đội cùng Đồng Tháp, Đạt còn làm rạng danh quê hương bằng các danh hiệu cá nhân với ba lần đoạt giải áo đỏ - vua leo núi (2000, 2005, 2008), cú đúp áo vàng, áo xanh năm 2003, cùng hai chiếc HCĐ tại đấu trường SEA Games.

Thế nhưng chính cú đúp áo xanh, áo vàng cho danh hiệu cá nhân năm 2003 đã khiến Đạt rơi vào tình thế khó xử ở Đồng Tháp. Anh tự nhận mình buộc phải “sống chung với lũ” sau những bất đồng không thể hàn gắn với ban huấn luyện cũ và đồng đội.

Đạt tâm sự: “Ở đó, tôi không tìm được tiếng nói chung với đồng đội. Khi sự nghiệp của mình sắp ở bên kia sườn dốc, tôi muốn tìm cho mình một tương lai tốt hơn sau này. Nhưng nguyện vọng đơn thuần của tôi là được đi học đại học lại không được các cấp lãnh đạo đáp ứng. Lương VĐV của tôi đang là 4,5 triệu đồng/tháng. Các chú nói nếu chuyển sang công tác huấn luyện chỉ còn hơn một triệu đồng/tháng, thử hỏi làm sao tôi đủ trang trải cho cuộc sống. Với những lý do đó, tôi đã quyết định ra đi. Điều khiến tôi không hề nuối tiếc là mình đã có những tháng ngày rất đáng tự hào cùng xe đạp Đồng Tháp”.

Ai cũng hiểu rằng An Giang được xem là một thế lực rất đáng nể trong làng xe đạp Việt Nam. Thế nên việc Trịnh Phát Đạt rời khỏi Cao Lãnh đến đầu quân tại Long Xuyên không mất một đồng chuyển nhượng nào và cũng không có khiếu kiện nào là chuyện lạ trong làng xe đạp Việt Nam. Khác hẳn với trường hợp tay đua nữ Võ Thị Phương Phi phải chấp nhận bị cấm thi đấu hai năm mới có thể cởi bỏ chiếc “vòng kim cô” của đơn vị cũ TP.HCM để về đầu quân cho xe đạp Bình Dương. Nói về vấn đề này, Đạt tâm sự: “Số tôi nó may bởi quan hệ giữa hai địa phương khá tốt đẹp nên không gặp trở ngại gì. Xe đạp chưa có luật chuyển nhượng như bóng đá và chủ yếu là hai bên thuận tình với nhau, không kiện cáo là VĐV khỏe”.

Giới xe đạp nói đây là cú xé rào lịch sử nhưng lãnh đạo hai đội Đồng Tháp và An Giang lại vẫn thản nhiên vì những giao kèo riêng mà chỉ có họ mới biết được.

Cũng có thể cú xé rào lịch sử về chuyển nhượng êm thấm này cũng là cái bắt tay của hai địa phương để dựa lưng nhau trong những chặng đua khốc liệt trong năm nay và sau này.

Mọi người đùa vui rằng một VĐV xe đạp cự phách được “gả” cho nhà trai cách nhà gái chỉ cái bến phà An Hòa sẽ là một liên kết mới để anh sui và chị sui tính chuyện tương lai.

Tai nạn ở chặng bảy giải xe đạp Truyền hình Bình Dương

Hôm qua, chặng đua từ Phan Rang về Phan Thiết (152 km) lẽ ra đã an toàn nếu các tay đua không “đo đường” ngay khúc quanh đường tránh vào TP Phan Thiết. Nguyên nhân do Mai Công Hiếu bất cẩn lao vào đống cát, kéo theo hàng loạt tay đua cùng té. Cũng may ngoài chuyện bị xây xát khắp người, không có tay đua nào phải về đích bằng xe cứu thương!

Lợi dụng sự cố trên, các tay đua “thoát nạn” tách ra về đích. Và chiến thắng đã thuộc về Bùi Minh Thụy với thành tích 3 giờ 32’47”, đạt tốc độ trung bình 42,86 km/giờ.

Áo vàng sau bảy chặng vẫn do tay đua Hall Brad nắm giữ nhưng hạng nhì và ba lại thuộc về hai tay đua Đỗ Tuấn Anh và Bùi Minh Thụy. Giải đồng đội vẫn lần lượt là Domesco Đồng Tháp, CLB Hà Lan Ysseltreek và đội Mông Cổ.

Bất ngờ lớn nhất là Mai Nguyễn Hưng vươn lên dẫn đầu giải áo xanh với 14 điểm.

Hôm nay, đoàn đua thi đấu chặng cuối từ Phan Thiết về Bình Dương có lộ trình 185 km.

M.QUANG

MINH QUANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm