Câu chuyện thể thao: Thai-League qua mặt V-League

Những năm 2000 đến 2003, những danh thủ Thái Lan như Thonglao, Sakda sang Việt Nam đá cho biết thu nhập trung bình của một cầu thủ Thái Lan chỉ 15 triệu đồng. Nếu cầu thủ đó đang có biên chế của đội tuyển quốc gia thì lương được tăng thêm 5 triệu đồng.

Cùng thời điểm đó, những cầu thủ Việt Nam đá V-League có lương lẫn thu nhập hằng tháng trung bình 40 đến 60 triệu đồng. Không kể không ít trường hợp có cầu thủ thu nhập lên đến gần trăm triệu đồng.

Những năm đó những danh thủ hàng đầu Thái Lan ngoài Kiatisak thì những Nirut, Pipat, Sakda, Thonglao, Chaiman, Ekaphan, Sarayouth, Surachai… kiếm đường sang Việt Nam đầu quân là để có thu nhập đột biến so với chừng vài chục triệu ở Bangkok. Những cầu thủ Thái khi ấy sang Việt Nam có mức lương hằng tháng không dưới 5.000 USD chưa kể các khoản thưởng, tính ra gần cả 100 triệu đồng.

Thai-League luôn ngập tràn khán giả lẫn nhà tài trợ bởi sức hấp dẫn. Ảnh: Chainatfc.com

Hiện nay tình hình đã khác. Thai- League đẩy thu nhập của cầu thủ lên cực cao là nhờ liên tục đổi mới trong quản lý và học hỏi để phát triển. Không dễ gì Tập đoàn Toyota nhảy vào tài trợ Thai-League với số tiền cao hơn rất nhiều so với năm 2015 Toyota kết duyên với V-League.

Toyota chi cao như vậy cũng có nguyên nhân của họ. Đó là sau nhiều mùa theo dõi và nghiên cứu, Toyota xác định Thai-League không có bán độ và không có tiêu cực nên họ đầu tư vào nhiều giải đấu sạch cũng là sạch cho thương hiệu của mình. Chính các quan chức Thái Lan khẳng định là Toyota tài trợ rất đậm nhưng tiêu chí của tập đoàn này cũng rất khắt khe.

Thai-League cũng là giải đấu thu hút rất đa dạng nguồn tài trợ từ các hãng sản xuất xe hơi, ngân hàng, các hãng sản xuất thức uống, các tập đoàn truyền thông, bất động sản, mua sắm, truyền hình… đều thi nhau nhảy vào tài trợ. Thu nhập của cầu thủ tăng cao cũng đòi hỏi sự cạnh tranh khốc liệt và đó chính là động lực để Thai-League không ngừng vươn lên tầm cao. Các CLB muốn cạnh tranh để tồn tại thì không còn con đường nào khác là cũng phải tự nâng cấp mình, nâng cấp sân bãi, thành tích thi đấu và công tác đào tạo trẻ thật tốt để giảm chi tiêu ngân sách, ngược lại có nguồn cầu thủ dồi dào để tạo thế hệ nối gót.

Thai-League ngày càng nâng cấp trong khi ở ta thì đến nay vẫn còn hiện tượng đội bóng xả cửa cho khán giả vào tự do. Mà rõ ràng là khán giả vào tự do thì không thể đo được độ “mặn” của cổ động viên lẫn độ hấp dẫn của giải đấu.

V-League không thể cải thiện nếu điều hành như cũ

HLV Miura khi nói về V-League đã ví đó là giải đấu kinh khủng. Ông chê cách điều hành qua loa lẫn thái độ của cầu thủ tham dự và cho rằng điều đấy đi ngược với cách làm chuyên nghiệp. Ông Miura cũng chê cả phong cách làm việc của nhiều thành viên từ giờ giấc đến nếp sinh hoạt. Điều mà ai cũng thấy ông nói rất đúng. Vấn đề còn lại là bóng đá Việt Nam sẽ cải thiện như thế nào.

Để giữ chân Toyota cũng như mời được nhiều nhà tài trợ khác như bóng đá Thái Lan đã làm thì điều tiên quyết phải là hình ảnh chuyên nghiệp ở một giải đấu được thay đổi từ hình thức đến nội dung.

Ở ta nhiều CLB mang mác chuyên nghiệp nhưng cách tồn tại thì vẫn là nghiệp dư. Ở ta vẫn còn quan niệm làm mùa nào “xào” mùa nấy. Nguy hiểm nhất trong bộ máy điều hành giải đấu chuyên nghiệp của ta là bắt đầu quay trở lại với mô hình điều hành hệt như phòng tổ chức thi đấu của VFF ngày nào.

Nói như nhiều người là ta cầm đồng tiền của nhà tài trợ và sử dụng đồng tiền theo kiểu chia năm xẻ bảy như thế nào chứ không trân trọng đồng tiền nhà tài trợ đổ cho ta và có quyền đòi hỏi ta về chất và về tính chuyên nghiệp.

N.NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm