CHƠI THỂ THAO KHÔNG ĐÚNG CÁCH: HIỂM NGUY RÌNH RẬP - BÀI 1

Chưa khỏe đã rước thêm bệnh

Giới công nhân viên chức và nhân viên văn phòng ngày nay có nhu cầu chơi thể thao rất lớn. Một mặt để giải tỏa sức ì khi công việc đòi hỏi nhiều chất xám hoặc ngồi lì trong văn phòng nhiều giờ đồng hồ rất cần sự giải phóng năng lượng, đốt cháy lượng calorie dư thừa... Song việc chơi như thế nào và tìm hiểu kỹ môn thể thao mình chơi lại ít được quan tâm. Vì thế mà không ít người cứ cắm đầu lao vào chơi thể thao hoặc lạm dụng thể thao có thể dẫn đến những chấn thương, thậm chí là những căn bệnh nan y…

Tuổi càng lớn nên chơi bóng càng nhỏ

Anh Hồ Thế Sơn, chủ một doanh nghiệp, nói vui rằng những ngày còn trai trẻ chơi bóng đá, qua tuổi 40 anh tìm đến quần vợt. Gần đến tuổi 50 anh tìm đến golf. Anh khái quát một câu nói vui là tuổi càng lớn chơi trái bóng càng nhỏ. Anh Sơn kể: “Thực ra tôi vẫn muốn chơi quần vợt hơn vì gần nhà, chơi golf thì cuối tuần mới đi ra Long Thành xa quá mà lượng vận động thì không bằng quần vợt. Nhưng vì trong đám bạn chiều nào chơi banh cũng kèm theo các độ nhậu. Đánh banh từ 16 giờ đến 19 giờ là xong nhưng hôm nào cũng đến 21 giờ mới về trong trạng thái ngật ngưỡng, nồng nặc bia rượu, vợ con phàn nàn. Gần một năm như thế không thấy sức khỏe cải thiện. Bụng thì ngày càng to ra, còn tửu lượng thì tăng… Từ đó tôi thấy nguy kịch, thế là tìm phương án tốt nhất chia tay đám bạn lấy cớ chơi thể thao để nốc bia…”.

Là một người vốn chỉn chu và thích sự can thiệp của… khoa học lẫn y học, anh Sơn tìm đến bác sĩ tư vấn và kể thực trạng của mình thì được cảnh báo: “Người anh đã mập, bụng to, lại ăn nhậu thường xuyên rất dễ dẫn đến bị gout, chứng bệnh thường gặp ở những người chơi thể thao rồi… hay ăn nhậu”. Thế là anh theo lời khuyên tìm đến tập thể thao một cách nghiêm túc và tránh bia rượu sau khi vận động và bước đầu là cách ly bạn bằng cách chơi… golf.

Chưa khỏe đã rước thêm bệnh ảnh 1

Bản chất của vận động thể thao là tốt nhưng hậu tập luyện thường là những chầu nhậu gây tác hại lớn cho việc tập luyện, đặc biệt là các ông chơi quần vợt không đúng cách. Ảnh: GETTY IMAGES

Chưa khỏe đã rước thêm bệnh ảnh 2

BS Tăng Hà Nam Anh đưa ra lời khuyên cho các VĐV nghiệp dư về mức độ nguy hiểm khi chơi thể thao không đúng cách. Ảnh: TẤN PHƯỚC

Theo BS Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương và Chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương, lưu ý thì: “Khi chơi thể thao xong mà nhậu với quan niệm chọn thức ăn giàu dinh dưỡng, giàu calorie để bồi bổ sau khi chơi thể thao nặng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh gout. Chưa kể khi chơi thể thao xong lại nhậu dẫn đến hàng loạt hệ lụy khác...”.

Anh Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Cơ quan đại diện của Thời báo Tài chính Việt Nam tại TP.HCM, kêu ca: “Đi đánh quần vợt vì sức khỏe nhưng ở các sân quần vợt phong trào khó thoát khỏi thực trạng nhậu. Đã chuyển đổi nhiều sân chơi nhưng rồi ở đâu cũng phải có bạn cùng chơi… và thế là đánh độ chầu nhậu”. Anh khẳng định khó thoát khỏi cảnh nhậu. Đánh xong mà bỏ vợt vào túi dắt xe ra về bất chấp tiếng í ới của bạn chơi thì khó hòa nhập được. Đó là nỗi khó chung của nhiều tay vợt.

Chính vì thế mà dân có điều kiện hay nói vui là “càng lớn tuổi thì càng phải chơi banh nhỏ”.

Nguy cơ chấn thương cao khi chơi thể thao xong là… nhậu

Ngoài việc dễ dẫn đến bệnh gout khi chơi thể thao xong là nhậu thì thói quen tiêu cực này còn dễ dẫn đến chấn thương và nguy cơ thoái hóa các bộ phận trên cơ thể như gối - phần rất quan trọng trong vận động nói chung và chơi thể thao nói riêng.

Theo BS Ngô Thành Ý (khoa Chấn thương và Chỉnh hình, BV 115), khi chơi thể thao xong thì cơ thể mất nước rất nhiều, rất cần sự hồi phục tích cực. Khi bia rượu vào cơ thể lại tiếp tục mất nước làm cho các cơ quan lâu hồi phục. Dây chằng, sụn gối là những cơ quan mệt mỏi nhất sau khi vận động thể thao, thế nhưng bia rượu ngấm vào làm các bộ phận này dễ bị thoái hóa, các cơ mệt mỏi rất dễ gây chấn thương.

Ở thể thao chuyên nghiệp, khi VĐV hoạt động, vận động cao, mất nước nhiều thì họ uống những loại nước chuyên dụng, có chất điện giải để bù lại lượng nước đã mất và giúp cơ thể nhanh hồi phục.

Việc chơi thể thao xong rồi có khái niệm nhậu cũng là giải khát và cứ ngày này qua ngày khác tiềm ẩn nguy cơ chấn thương cực kỳ cao, mất hẳn tác dụng của việc luyện tập thể thao.

Bên cạnh đó, việc giới cán bộ công nhân viên, dân văn phòng nói riêng và dân chơi thể thao phong trào nói chung thường chơi thể thao trái giờ khi chọn buổi chiều tối hoặc sáng sớm. Cả hai thời điểm này trong ngày đều không có lợi. Buổi sáng thì cơ thể chưa sẵn sàng cho việc vận động cường độ cao nên rất dễ chấn thương. Còn vào buổi chiều tối, sau một ngày lao động mệt mỏi lại nhào vào chơi thể thao hoạt động cường độ cao, lại thiếu khởi động đúng phương pháp thì đó là nguyên nhân dẫn đến chấn thương rất cao.

BS Tăng Hà Nam Anh cho biết: “Thực tế rất nhiều người chơi kiểu phong trào mà quên đi thực trạng sức khỏe của mình. Thấy người ta chơi quần vợt, mình cũng lao vào quần vợt, bất chấp sức khỏe ra sao. Thấy người ta đá bóng, mình cũng mang giày đi đá bóng mà không biết mình có mang bệnh tim, khớp… hay không. Người bị tim mạch, mạch vành mà lại chọn môn bơi lội thì rất nguy hiểm vì rất dễ đột tử khi nhảy xuống nước do nhồi máu cơ tim.

Có thể chết khi chơi thể thao nếu thiếu hiểu biết

Việc chọn môn thể thao phù hợp với tuổi và bệnh tình (nếu có) của mình là rất quan trọng. Chẳng hạn, một người bị động kinh mà chọn môn bơi làm môn thể thao thì nguy hại vô cùng. Đôi lúc bơi hồ, bơi biển hay bơi sông mà lại vắng người, lên cơn động kinh thì… có mà chết.

TẤN PHƯỚC

Đón đọc kỳ tới: Dân chơi nghiệp dư chấn thương nhiều hơn VĐV chuyên nghiệp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm