Đối thoại với tác giả của “rượu tự trọng” Trần Song Hải

“Chúng tôi không bỏ bóng đá người!”

Anh ăn bóng đá, ngủ bóng đá và cũng là nhân vật “hot” của chương trình “Tiêu điểm bóng đá” rất ăn khách trên kênh AVG. Anh cũng là người thừa nhận năm qua mình làm được rất nhiều việc nhưng cũng có lúc bị “ném đá” không ít.

Quan điểm của Trần Song Hải là muốn mang đến thông điệp làm bóng đá phải vô tư, phải sạch chứ không phải làm để vơ vét… Cũng vì thế mà Trần Song Hải đã từng tặng “rượu tự trọng” cho những người làm bóng đá thiếu lòng tự trọng. Song song đó Hải còn hô hào được các cổ động viên thực sự yêu bóng đá thì bỏ tiền mua áo, mua vé vào sân cổ vũ bóng đá chứ không xem “bóng đá chùa” hay xem bóng đá và cổ vũ vì được “phát lương”.

Nguồn gốc “rượu tự trọng”

. Phóng viên: Xin được bắt đầu bằng “rượu tự trọng” do anh sản xuất nhé!

+ Ông Trần Song Hải: Tại tôi to mồm nên ai cũng nghĩ tôi là tác giả. Nó là sản phẩm của anh em yêu bóng đá nhưng bất bình với những người làm bóng đá thiếu lòng tự trọng…

. Rượu đấy xuất phát từ…

+ Từ sau SEA Games 26 năm 2011. Khi ấy chúng tôi mong một lời giải thích về thất bại của đội U-23 nhưng ông Trưởng đoàn kiêm Tổng Thư ký VFF Trần Quốc Tuấn cứ lẩn tránh và tệ nhất là khi mọi người ngồi lại kiểm điểm thì ông ấy lại lấy cớ sang Malaysia đi họp AFC.

Tác giả của “rượu tự trọng” hạnh phúc với thứ bóng đá đẹp. Ảnh: CTV. Tham gia trong thành phần ban tổ chức giải Fair Play với cùng mong muốn chuyển thông điệp bóng đá đẹp đến mọi người. Ảnh: XUÂN HUY

. Có phải vì thế mà khi dẫn chương trình “Tiêu điểm Bóng đá” anh hay “đá bổng” ông cựu tổng thư ký?

+ Chúng tôi cho ông ấy cơ hội đấy chứ! Tôi sòng phẳng mời ông ấy tham gia chương trình để giải thích nhưng nhận câu hỏi rồi thì ông ấy lại trốn luôn. Chẳng lẽ chương trình khi ấy lại để cái ghế không rồi giải thích ghế này là của ông ấy và chúng ta đối thoại với cái ghế…

. Là một doanh nhân thành đạt, anh tham gia cổ động viên rồi lại lấn sang công việc truyền thông khi ôm cả “talk show” của chương trình “Tiêu điểm Bóng đá”?

+ Cũng tình cờ cả thôi. Anh Minh Hùng của báo Pháp Luật TP.HCM viết một chương trình “talk show” không trùng với các “talk show” bóng đá khi đưa người dẫn chương trình là một cổ động viên và những câu hỏi cũng là lời gửi gắm từ các cổ động viên muốn bóng đá nước nhà hay hơn, tốt hơn. Vô tình tôi xem được ý tưởng đấy, xin rồi thử và thành công. Đến nay đã 70 số rồi và số nào cũng có phản hồi tốt.

. Bật mí một tí nhé, làm doanh nhân, làm MC và làm cổ động viên, cái nào khó?

+ Làm MC là khó nhất! Lúc đầu tôi nói nhiều hơn khách mời nhưng từ từ rồi quen. May là nhờ các anh chuyên gia, những nhà báo uy tín rồi anh em đồng nghiệp mỗi người chỉ một tí. Tuy nhiên, có người lại nói với tôi là: “Ông dẫn chương trình ngô nghê như thế mới hay”. (cười)

Cổ động viên làm chuyên nghiệp trước bộ máy điều hành

. Trong các ông trong ban chấp hành lâm thời hội cổ động viên Việt Nam, anh là người hay sinh sự với VFF nhất?

+ Tôi đâu có sinh sự, tôi góp ý theo cách của người Nam Bộ đấy chứ. Phải là người mê bóng đá, yêu bóng đá và hiểu bóng đá mới bức xúc. Có người bức xúc quá chọn cách không thèm xem và quan tâm bóng đá nữa. Tôi lại chọn cách góp ý để bóng đá tốt hơn. Và trong nhiều cách góp ý ấy tôi chọn cách kêu gọi lòng tự trọng của những người điều hành bóng đá mà cứ kéo lùi bóng đá.

. Sắp Đại hội VFF nhiệm kỳ VII rồi, là cổ động viên, anh mong điều gì nhất?

+ Tôi mong một đại hội đổi mới thực sự dù hơi hám cho thấy chẳng có gì là đổi mới cả vì chưa bầu đã có thể đoán trúng gần hết số ghế.

. Anh mong ai làm chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII?

+ Tôi mong doanh nhân làm chủ tịch vì điều hành bóng đá về mặt nào đó cũng như điều hành một công ty, tức phải giỏi quản lý, giỏi tính toán và phải có một đội ngũ giỏi bên mình để công ty ngày càng phát triển chứ không thể công ty thì lỗ mà người điều hành và một nhóm điều hành thì ôm thật nhiều tiền. Ở phạm trù này tôi mong những người như anh Đoàn Nguyên Đức hay anh Đỗ Quang Hiển làm dù ai cũng biết là đã sắp ghế rồi, hai anh ấy không thể ngồi vào đấy…

. Phần anh là cổ động viên, anh đã có động thái gì để góp phần vào sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp?

+ Không phải cá nhân tôi mà là các cổ động viên đã đi trước VFF khi chúng tôi hình thành nhóm cổ động viên thật chuyên nghiệp. Có người còn nói đùa khi đưa ra khẩu hiệu “Chúng tôi cổ vũ chuyên nghiệp trước và mong những nhà điều hành cũng sẽ điều hành chuyên nghiệp”. Tại giải Futsal Quốc tế TP.HCM, chúng tôi đã thử nghiệm thành công rồi phát triển ra khi cổ vũ U-23 và bóng đá nữ dự SEA Games khi kết hợp với Nhà văn hóa Thanh Niên. Gần đây nhất là giải U-19 Quốc tế tranh cúp Nutifood.

Bạn của những người yêu bóng đá và vì bóng đá

. Anh từng hợp tác tổ chức để tường thuật trực tiếp qua sóng phát thanh và qua Youtube những trận đấu của U-19 Việt Nam. Có vẻ như các anh đã đi trước cả truyền thông một bước?

+ Nói thế giới truyền thông lại ghét tôi vì “múa rìu qua mắt thợ”. Thực chất thì những giải đấy không có bản quyền nên các đài truyền hình không thực hiện được và bức xúc với nhiều người yêu bóng đá đẹp, yêu các em U-19 nên chúng tôi bàn nhau cách thực hiện rồi làm. Mọi người gọi là bần cùng sinh sáng kiến. Sắp tới U-19 qua Anh, qua Bỉ đá chúng tôi còn tính bỏ tiền túi để đi làm việc đấy cho dân mê bóng đá xem qua mạng chơi. Hy vọng là đầu xuôi, đuôi lọt.

. Tôi nghĩ việc các anh làm chính là việc xã hội hóa…

+ Bóng đá sẽ phát triển nếu xã hội hóa thực thụ nhưng tôi thấy ở ta nhiều người làm bóng đá chưa xã hội hóa kiểu đó. Có bao nhiêu ông bỏ tiền cho bóng đá như bầu Đức, bầu Hiển và có bao nhiêu người điều hành bóng đá không bỏ cho bóng đá mà lại lấy đi từ bóng đá? Đấy là một bất hợp lý của việc xã hội hóa mà một bộ phận đã xem điều hành là để thu lợi còn chất lượng bóng đá ra sao lại là chuyện khác.

. Hy vọng năm 2014, anh sẽ làm được nhiều việc hơn và bớt gay gắt với những người điều hành bóng đá.

+ Có thể chúng tôi bức xúc quá thành ra gay gắt. Thực chất thì trong số những người điều hành có người tốt nhưng không được trao việc để làm hoặc bị cô lập. Đó là lý do vì sao chúng ta có nhiều người tài nhưng người tài điều hành bóng đá thì không ít người cứ bị đẩy ra ngoài. Có một điều tôi cảm nhận rất rõ là những người làm bóng đá mà không yêu bóng đá, không vì bóng đá thì sẽ khó phát triển nền bóng đá được. Giống như tôi khi nghe nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và các thuộc cấp của ông chê trách chúng tôi là kẻ thù của VFF thì chúng tôi nói thẳng rằng: Chúng tôi luôn và mãi là bạn của những người vì bóng đá và hết mình vì bóng đá. Đến giờ chúng tôi đã có rất nhiều bạn trên sân bóng nhưng vẫn bị xem là kẻ thù của một nhóm người điều hành bóng đá…

. Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công hơn nữa với hội cổ động viên yêu bóng đá và vì bóng đá bằng nhiều việc làm thiết thực cho bóng đá Việt Nam.

. Có ý kiến cho rằng hội cổ động viên các anh chưa được công nhận?

+ Nếu công nhận thì ai công nhận? VFF à?

VFF chỉ công nhận những hội, những tổ chức có lợi cho họ, còn chúng tôi là hội cổ động viên hoạt động không vụ lợi tích hợp từ những người yêu bóng đá và có lợi cho bóng đá. Chúng tôi không xin của ai chiếc vé nào hoặc chiếc áo nào mà chúng tôi tự may, tự in, tự mua vé để vào sân cổ vũ. Chúng tôi không chỉ đến sân để xem bóng đá mà còn cổ vũ cho bóng đá và cổ vũ một cách văn minh, có kỷ luật, có văn hóa chứ không bỏ bóng đá người như những người điều hành bóng đá hay làm với nhau… Chúng tôi làm vì bóng đá Việt Nam và nếu không được công nhận thì cũng chẳng sao vì chúng tôi làm cho đam mê bóng đá Việt Nam của chúng tôi chứ không phải để được ông này, ông kia công nhận…

NGUYỄN NGUYÊN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm