Của bóng đá trả cho bóng đá

Thực chất thì người của Nhà nước mà làm tốt phần việc của xã hội nói chung và bóng đá nói riêng thì rất tốt. Tuy nhiên, điều mà giới bóng đá lo ngại là người nhà nước rải ra dày và rộng trong bộ máy bóng đá liệu có ảnh hưởng đến tính xã hội hóa vốn rất cần thiết trong các tổ chức thể thao.

Lâu nay, người nhà nước trong bộ máy bóng đá hay gặp những cái nhìn thiếu thiện cảm vì bị cho rằng họ kìm hãm khả năng hoạt động theo kiểu quản chặt theo cơ chế của Nhà nước. Nó cũng giống như bộ môn bóng đá ở Tổng cục TDTT theo cơ chế nhà nước và do người nhà nước điều hành nên không thể phát huy vai trò như LĐBĐ được.

Nhắc đến chuyện giữa người nhà nước và người của xã hội, cũng cần phải quay lại hồi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh thời dù bận rộn nhiều việc nhưng rất quan tâm đến bóng đá. Sau Nghị định 01 về xã hội hóa thể thao, ông đã dám mình xuống cơ sở và các tổ chức LĐBĐ Quốc gia lẫn địa phương không phải để cử người nhà nước vào mà là để tháo gỡ từng vướng mắc nếu tổ chức đấy chịu ảnh hưởng nặng từ Nhà nước. Điển hình chính ông chỉ đạo UBND TP.HCM giao sân Thống Nhất cho LĐBĐ TP.HCM với chia sẻ: “Trao cơ chế, trao cần câu cho tổ chức xã hội hoạt động tốt hơn rất nhiều so với việc cho con cá”. Riêng các kỳ đại hội VFF, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều quan tâm, thăm hỏi và tháo gỡ để các cuộc bầu bán và chọn người cho bóng đá mang tính dân chủ, tận dụng được nguồn lực xã hội thay cho hoạt động cũ kỹ trong bộ máy quản lý nhà nước.

Bóng đá Việt Nam trước nhiệm kỳ VII rõ ràng đang có chiều hướng đi ngược với chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi cứ muốn phủ người của Nhà nước vào bộ máy bóng đá.

Của bóng đá hãy trả cho bóng đá theo đúng tinh thần xã hội hóa.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm