Để có nhiều Nguyễn Tiến Minh

Trong số 66/200 tay vợt chủ nhà góp mặt tại giải, có đến hơn 80% là VĐV trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 20. Một lực lượng hùng hậu khiến những người quan tâm đến tương lai cầu lông Việt Nam khấp khởi vui mừng.

Tuy nhiên, càng vui bao nhiêu họ càng thất vọng bấy nhiêu bởi khi vừa xong vòng loại, hàng loạt VĐV Việt Nam đã chia tay giải. Ngoại trừ Tiến Minh và Nguyên Nhung, những tay vợt còn lại vào vòng trong đều nhờ những trận đấu nội bộ. Điển hình là chỉ sau vòng một của vòng chính, Việt Nam chỉ còn đúng hai đại diện đi tiếp.

Vài năm nay, khi Tiến Minh bắt đầu khẳng định được tên tuổi trong làng cầu lông thế giới, mức thu nhập gần 100 triệu đồng/tháng của Tiến Minh trở thành hấp lực cho các địa phương, gia đình đầu tư cho con em theo đuổi cầu lông.

Vấn đề quan trọng là cách đầu tư như hiện nay sẽ khó mang lại hiệu quả. Nguyễn Tiến Minh vốn được gia đình đầu tư “trọn gói” để theo đuổi cầu lông chuyên nghiệp (bên cạnh là sự hỗ trợ từ liên đoàn và đơn vị quản lý).

Còn đối với các tay vợt trẻ còn lại, sự đầu tư chỉ đến từ bộ môn và liên đoàn địa phương.

Điển hình hai đơn vị mạnh là TP.HCM và Hà Nội, hầu hết VĐV đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không đủ sức đầu tư cho con đi theo cầu lông chuyên nghiệp. Thế nên hầu hết đều phó thác cho đơn vị chủ quản.

Đơn cử như các tay vợt nằm trong đội tuyển trẻ quốc gia là Phùng Nguyễn Phương Nhi, Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Sen... dù được giới chuyên môn đặt niềm tin về khả năng phát triển chuyên môn nhưng do không có kinh phí nên ngoại trừ các giải quốc tế tổ chức trong nước, còn lại họ không có điều kiện để cọ xát nhiều ở các giải đấu trong khu vực.

Nếu không thay đổi cách làm, cũng như có cơ chế thoáng hơn, rất khó để cầu lông Việt Nam đi tìm một hiện tượng như Nguyễn Tiến Minh dù tài năng trẻ chúng ta không thiếu.

MINH QUANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm