GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH PHẠM PHÚ HÒA (ĐT LONG AN):

“Đồng Tâm Long An xuống hạng vì…”

Chúng tôi gặp ông giám đốc điều hành CLB ĐT Long An tại trụ sở công ty riêng tổ chức sự kiện. Cuộc đối thoại ngẫu hứng không theo một trình tự nào nhưng bắt buộc trên nguyên tắc sự thật, không xã giao hoặc chỉ có thể không trả lời câu hỏi.

Đội chơi kém do lắm thầy…

. Theo ông thì nguyên nhân cơ bản nhất khiến ĐT Long An sắp rớt hạng?

“Đồng Tâm Long An xuống hạng vì…” ảnh 1
+ Cái chính là việc thay đổi quá nhiều trong khu vực kỹ thuật. Một mùa bóng mà chúng tôi bốn lần thay HLV ngoại là không ổn rồi. Quan điểm của ĐT Long An là không sử dụng thầy nội. Vì rất nhiều chuyện tế nhị là một nhẽ, quan trọng hơn là trình độ thầy nội có hạn. Vấn đề của chúng tôi là không thể đánh giá ngay được HLV ngoại nào phù hợp nhất với đội bóng, cả trên sân lẫn ngoài đời. Chẳng hạn, HLV Marcelo có phong cách huấn luyện rất chuyên nghiệp. Ông đọc và điều chỉnh trận đấu hay lắm. Có điều cầu thủ mình chưa chuyên nghiệp trong khi ông thầy chuyên nghiệp quá, cứ xong việc là lên xe về nhà, không sâu sát cầu thủ thì khó. HLV McMenemy thì trẻ trung, gần gũi cầu thủ hơn. Nhưng sau này tôi mới biết khả năng điều chỉnh thế trận của ông ta có vấn đề.

. Có kinh nghiệm 10 năm làm bóng đá, lẽ ra ông phải có phương án tìm người phù hợp ngay từ đầu?

+ Cầu thủ tìm thì dễ, chọn người huấn luyện mới khó. Tôi tiếc lúc trước mời ngay HLV Ranko thì bây giờ đỡ khổ rồi. Hồi ấy một nhà môi giới quen có gửi hai bộ hồ sơ của Ranko và McMenemy. Tôi trình lên anh Thắng (Chủ tịch CLB Võ Quốc Thắng) thì anh ấy chọn ông McMenemy nhờ bản thành tích huấn luyện Philippines thành công ở AFF Cup 2010. Ngay cả anh Thắng vẫn tiếc, giá như chọn ông Ranko từ đầu…

. … Theo tôi thì sai lầm và mất thời gian chọn người huấn luyện là một chuyện. Mặt khác, đội bóng phải có “chất” như các HLV thường nói “có bột mới gột nên hồ”?

+ Cầu thủ ĐT Long An thực chất không thua ai. Chỉ có một điều khiến tôi áy náy đội sẽ chơi tốt hơn nếu giữ lại chân sút Oliveira chứ không phải Tshamala. Ở hàng thủ lại không may Thanh Giang bị chấn thương. Khi thỏa thuận xong với trung vệ Quốc Anh (cầu thủ Tiền Giang khoác áo TP.HCM) thì lấn cấn tiền bạc khiến mình không thể thay thế.

. Nghe nói ĐT Long An không chuyển tiền lót tay cho Quốc Anh và việc không giữ chân sút Oliveira cũng vì lãnh đạo đội không chịu chi?

+ Hồi đá giải tập huấn NaviBank, đội bóng chơi rất tốt khi có Oliveira. Anh ta hay hơn Tshamala do thích nghi được với đồng đội mà không có Tài Em, Minh Phương mớm bóng như Tshamala. Ngay cả ban huấn luyện cũng có quan điểm như tôi. Thế nhưng quyền quyết định cuối cùng là anh Thắng khi chọn Tshamala. Đến giữa giai đoạn, anh Thắng mới nghe ra, cho Tshamala về Cần Thơ với giá 20.000 hay 25.000 USD gì đó. Oliveira trở lại thì đã muộn.

“Đồng Tâm Long An xuống hạng vì…” ảnh 2

HLV McMenemy và ông Phạm Phú Hòa khi còn ngồi chung khu kỹ thuật. Ảnh: XUÂN HUY

Chuyện của Quốc Anh tôi cũng đã thỏa thuận xong nhưng chờ mãi không thấy công ty rót tiền, anh ta phải đi thôi. Việc chi hay không chi tiền không phải do tôi quyết.

. Với tư cách trưởng đoàn và chịu trách nhiệm, ông phải có quyền tự quyết mọi sự thành bại của đội bóng?

+ Giá như tôi cứng rắn hơn để thuyết phục anh Thắng thì đội bóng không đến nỗi như thế này đâu. Tôi biết đội bóng cần gì và phải làm gì nhằm bù đắp những khiếm khuyết ấy. Đến nước này thì cũng đành chịu thôi. Tôi đã làm hết sức mình rồi!

Tôi làm việc khác kiếm tiền nhiều hơn ở ĐT Long An

. Ông xuất thân là dân học kinh tế và nhảy sang bóng đá khi là trưởng phòng Xuất nhập khẩu của Gạch. Ông có tự tin nếu không làm bóng đá thì mức lương tháng có hơn 30 triệu đồng làm ở CLB ĐT Long An?

+ Tôi có thể làm ra tiền nhiều hơn thế chứ! Bản thân tôi có ba điều ở ĐT Long An còn lớn hơn chuyện tiền bạc. Tôi là dân Long An, có nhiều tình cảm sâu nặng với công ty và điều quan trọng nhất là đam mê bóng đá mà khi làm quen với nó, mình mới khám phá ra, nghiện như nghiện người tình.

. Ở nhiều đội ông giám đốc điều hành rất giàu vì có phí bôi trơn từ các cuộc chuyển nhượng tiền tỉ. Ở Long An cũng có nhiều cuộc chuyển nhượng lắm?

+ Tôi thề không bỏ túi một đồng. Hồi đưa thủ môn Santos về đội NaviBank SG có giá 40.000 USD, Văn Khải 600 triệu đồng đều là chủ đích của anh Thắng. Bởi hai cầu thủ này chỉ còn sáu tháng hợp đồng và sau đó thành cầu thủ tự do. Mình cần họ nhưng rồi sau khi cân nhắc thì phải bán… Bốn lần thay HLV trưởng cũng vậy, toàn là chuyển nhượng miễn phí, tôi có bỏ túi đồng bạc nào đâu. Tôi chỉ tham mưu, không quyết đến việc chọn ai. Tôi tôn trọng quyền quyết định của anh Thắng.

1% và 99%

. Ngoài trận quyết định thua HP Hà Nội trên sân nhà, cho đến lúc nào ông cảm giác tiếc nuối nhất khi đội bóng rơi tự do dẫn đến sự mất an toàn?

+ Đấy là hai trận đều trên sân Long An mới đau. Đầu tiên là trận hòa Đồng Tháp 1-1, trận sau hòa V. Ninh Bình 2-2. Hai trận này chúng tôi đều bị gỡ hòa phút cuối, thành ra mất 4 điểm. Trận thua HP Hà Nội 2-3 mình không may gặp trời mưa lớn, làm phá sản lối chơi. Chúng tôi đã tính đến một trận thắng là chắc chắn trụ hạng, không cần phải hòa vẫn chiếm ưu thế, ai ngờ thua. Chuyện đã qua rồi, tôi chỉ lợn gợn một điều nếu ban tổ chức phân công trọng tài ở miền Trung, không phải trọng tài phía Bắc thổi một trận đấu của đội bóng phía Bắc thì hợp lý hơn.

. Thế ĐT Long An cũng có hai trận thắng Đồng Tháp và NaviBank SG ở thời điểm ngặt nghèo mà duy nhất đội cuối bảng ở thời điểm ấy có 6 điểm liền?

+ Bóng đá đôi khi có những cái khó nói lắm, kỵ rơ hay sao ấy. Ví như suốt 10 năm qua, hai lượt trận với Đà Nẵng hay Khánh Hòa, chúng tôi cứ toàn hòa và thua. Ngược lại, mùa nào gặp Đồng Tháp, chúng tôi cũng lấy ít nhất 4 điểm. Trận thắng NaviBank SG chắc tôi quen thân với bên ấy quá, do hồi đầu mùa họ tha thiết mời tôi về làm giám đốc điều hành. Nhìn nhận kỹ một chút, họ thua vì sút không vào thôi, mấy quả bật cột, dội xà sao mà tính toán được.

. Bóng đá Việt Nam ai chẳng biết có khi thua cầu thủ còn nhận được nhiều tiền hơn một trận thắng mà đội treo thưởng ít?

+ Có người từng mang cả bao tiền đến gặp tôi xin mua một trận thắng. Tôi từ chối thẳng thừng và đội vẫn đá thắng bình thường như bao trận đấu khác. Có nhiều lần cầu thủ tôi báo cáo bị người này, người kia “chích”, tôi nghe như một kênh thông tin tham khảo và vẫn tin tưởng anh em mình. Cũng có khi một, hai vị trí của chúng tôi có vấn đề, khi họ chơi khác với phong độ vốn có của mình, may mà các cầu thủ còn lại không như thế.

. Có những lúc ĐT Long An chơi rất tệ nhưng ông vẫn tự tin 99% trụ hạng. Ông có lường đến lúc CLB chỉ còn 1% trụ hạng?

+ Kinh nghiệm giúp tôi tính toán ra ĐT Long An sẽ trụ hạng. Tôi dám nói thế vì biết năng lực của mình và căn cứ vào sự trung thực về chuyên môn của các đối thủ. Khi ấy tôi nghĩ hai đội rớt hạng phải là Hà Nội ACB và Hải Phòng. Đến giờ thì ai cũng biết Hải Phòng thoát hiểm hay như thế nào, sau hai trận thắng mà trọng tài sai đều bị kỷ luật.

. Ông có vẻ cay cú với nhiều trọng tài, như một lần mắng họ trên sân Nha Trang hay đòi nghỉ chơi trên sân Chi Lăng?

+ Năm 2005, giới trọng tài bị tiền bắn thủng, chúng tôi thông cảm với ban tổ chức vì không thể có đội ngũ thay thế cứng cáp ngay. Tuy nhiên, sáu năm qua rồi, Hội đồng Trọng tài có giới thiệu được lứa trọng tài nào hay ho đâu. Mỗi lần họ phạm sai lầm làm hại đội bóng lại được cái tổ chức khép kín ấy che chở, do lỗi nhận định chứ không có vấn đề tư tưởng. Mình không có bằng chứng thì khó nhưng sao ban tổ chức không đi tìm bằng chứng. Sự cố trọng tài Nguyễn Xuân Hòa “bẻ còi” trên sân Chi Lăng dưới sức ép từ bên ngoài dẫn đến việc anh ấy phải giải nghệ, theo tôi đấy là một sự sỉ nhục cho ban tổ chức.

. Xin cảm ơn ông về những trao đổi thẳng thắn.

Trở lại hạng chuyên nghiệp với 20 “nốt nhạc”

+ Tôi từng nói sẽ không làm ở ĐT Long An nữa nhưng rồi phải nghĩ lại, bởi không thể đi trong lúc đội gặp khó khăn. Nhất là bây giờ đội rớt hạng mà mình đi thì coi sao được. Tôi hứa sẽ đưa ĐT Long An trở lại hạng chuyên nghiệp rồi mới tính tiếp.

+ Lực của ĐT Long An hiện giờ thừa sức dẫn đầu giải hạng nhất. Tôi dám cá mùa sau ĐT Long An chỉ cần 20 “nốt nhạc” (20 vòng đấu) là thăng hạng ngay, không cần phải đến 21 vòng như Sài Gòn XT mới đây.

CÔNG TUẤN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm