Du học bóng đá

Phía CLB Man. City lý giải việc không chọn điểm đến là Anh vì giá cao và khó “đậu” visa trong khi sang Brazil thì rẻ hơn và phù hợp với thể trạng cầu thủ Việt Nam...

Nghe thì thấy rất mừng nhưng cũng rất lo.

Mừng vì những năm 1990, người Nhật cũng chọn Brazil làm điểm đến và tám năm sau thì bóng đá Nhật có mặt tại vòng chung kết World Cup suốt từ đó đến nay.

Còn lo là vì ta chỉ chăm chăm vào việc đẩy cầu thủ đi “du học” còn người Nhật thì song song đó là thực hiện phần nền tảng từ bóng đá trong nước như mời các chuyên gia giỏi về làm giám đốc kỹ thuật và những giám đốc phụ trách đào tạo trẻ như Zico, Dunga, Arsene Wenger, Gary Linerker… cùng nhiều cựu danh thủ khác. Nghĩa là cùng với “du học bóng đá” thì người Nhật nâng cấp nền tảng bóng đá trong nước bắt đầu từ các CLB. Tức sự phát triển đồng bộ song song với việc du học.

Tại Đông Nam Á cũng có nhiều đợt “du học bóng đá” ào ạt nhưng không hiệu quả bởi thiếu sự đồng bộ. Rõ nhất là cách đây hơn một thập niên, 40 cầu thủ nhí Thể Công được gửi qua Bulgaria đào tạo bốn năm. Các cầu thủ này chơi rất hay, tiếp thu được lối đá hiện đại. Chiến thuật và nhãn quan đều vượt trội so với các cầu thủ cùng lứa song khi về nước họ không có sự đồng bộ nên sau đó chựng lại và tan rã vì không có môi trường tốt để phát triển.

Bóng đá Thái Lan cũng thế. Thế hệ của Dangda, Thonglao, Teerathep cũng từng sang Crystal Palace, Man. City đào tạo dài hạn nhưng chỉ lóe sáng trong vài thời điểm nhất định chứ không phải là sự phát triển đồng bộ. Nó cũng giống các cầu thủ trẻ Việt Nam ở xuất phát điểm không thua cầu thủ Nhật, Hàn Quốc, thậm chí là không thua những cầu thủ châu Âu nhưng trong quá trình trưởng thành thì tuột lại.

Ngay cả lứa cầu thủ HA Gia Lai - Arsenal JMG ở lứa tuổi 18-19 phát triển rất tốt nhưng lên cao hơn thì lại thích nghi với môi trường cũ kỹ của bóng đá Việt Nam nên đa phần đều chựng lại chứ không phát triển như mong đợi.

Mừng và lo cho một kế hoạch “du học bóng đá” ở chỗ đấy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm