Họa và phúc

CHDCND Triều Tiên bị cấm thi đấu tức bóng đá nữ thế giới mất đi một đại diện mạnh ở World Cup. Và cái phần thế vai khi CHDCND Triều Tiên bị cấm lại là các đội chiếu dưới ít khi nào dám mơ đến một suất dự giải vô địch thế giới. Nói như ông cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ là “cơ hội ngàn năm có một”.

Thế là cả Đông Nam Á sôi lên vì một suất từ trên trời rơi xuống đấy. Nhanh nhảu nhất là VFF đi vận động AFC để được quyền đăng cai vòng chung kết châu Á - giải đấu ngoài việc chọn đội vô địch châu Á còn để xác định năm chiếc vé dự World Cup 2015 tại Canada. Thế là ta có thiên thời địa lợi làm của riêng.

Thái Lan thì tập trung vào chuyên môn với lứa cầu thủ vô địch SEA Games 27 trong đó có những cầu thủ từng xuất khẩu đi đá giải chuyên nghiệp ở Nhật. Myanmar với dấu ấn thầy Nhật cùng công cuộc trẻ hóa và tiền đầu tư đổ vào không ít…

Và người ta gọi đấy là bệnh chung của Đông Nam Á: Bệnh đổ tiền đổ của cho một mục tiêu gần để hiện thực hóa cơ hội “ngàn năm có một”.

Còn nhớ bóng đá nam năm 1995 khi vừa đoạt HCB SEA Games 18 trở về lập tức những nhà làm bóng đá “ăn theo” cao trào của người hâm mộ hưởng ứng đội tuyển đã chọn ngay mốc dự World Cup vào năm 2010 mà chẳng dựa vào cơ sở nào cả…

Bây giờ thì sau cái HỌA của bóng đá nữ CHDCND Triều Tiên, các nước Đông Nam Á lại chen chân nhau để hưởng PHÚC nhằm thỏa mãn ao ước một lần dự World Cup cho bằng chị bằng em.

Cái giấc mơ xa xỉ của Đông Nam Á đấy chỉ rơi vào đúng World Cup 2015 nhưng chưa hiện thực hóa giấc mơ thì đã có một cơn mưa gôn những 12 bàn thắng dội vào lưới đội tuyển nữ Myanmar trong trận thua nữ Hàn Quốc. Nó làm nhiều người nhớ đến những trận thua kỷ lục trong lịch sử như cái thua của nữ Singapore trước nữ CHDCND Triều Tiên với tỉ số 0-24. Trận thua mà báo chí quốc tế thống kê cứ trung bình ba phút 40 giây là các chân sút CHDCND Triều Tiên ghi một bàn vào lưới đại diện của Đông Nam Á. Hoặc tỉ số mà đội nữ Trung Quốc từng thắng nữ Philippines đến 21-0.

Cự ly của bóng đá nữ Đông Nam Á rõ ràng còn rất xa so với các đội bóng mang đẳng cấp thế giới. Nó rất trũng và đòi hỏi phải có thời gian đầu tư đều đặn, căn cơ rất lâu và bền bỉ. Chứ không phải cứ cơ hội đến là đổ tiền đầu tư để đạt một cú cho sướng rồi lại thả nổi.

Tôi đồng tình với nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu khi phân tích về việc có cần phải cố bằng mọi giá để lấy một suất World Cup hay không khi mặt bằng của ta còn xa vời vợi so với các đội dự vòng chung kết thế giới. Ông Nguyễn Lưu phân tích rằng “chạy” bằng mọi giá để dự World Cup thì sướng cái danh thật. Nhưng nếu không xác định chỗ đứng của mình mà vào sân chơi lớn đấy rồi mỗi trận ôm chục quả về thì tác dụng ngược tai hại hơn rất nhiều với một thế hệ và cả nền bóng đá.

Mơ đến World Cup thì ai cũng mơ nhưng cũng cần thực tế với giấc mơ qua chỗ đứng và vùng chân đế của mình thay vì “ngàn năm có một” tranh nhau một chỗ “thòi ra” từ HỌA người khác làm PHÚC nhà mình.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm