Khi cổ động viên bị tước hết ‘bửu bối’

Không cả chiếc đại kỳ rộng 400 m vốn được xem là đặc trưng và là biểu tượng của hội.

Trao đổi với chúng tôi trước cuộc đối đầu đầy duyên nợ Việt Nam - Malaysia, đại diện VFS - chị Hoàng Yến buồn bã cho biết: “Hội đã nhờ cậy đến LĐBĐ VN xin Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar liên hệ ban tổ chức, với LĐBĐ Myanmar cho phép nhưng chỉ nhận được các cái lắc đầu quyết đoán. Với cổ động viên chúng tôi, kèn trống hay đại kỳ được xem như linh hồn của hội, qua đó tiếp lửa cho các tuyển thủ chiến đấu trên sân. Nhưng chủ nhà họ đã quyết định thế, chúng ta đành phải tôn trọng. Chúng tôi chỉ đem được vào sân quốc kỳ cỡ nhỏ cũng mừng lắm rồi...”.

So vài trăm cổ động viên Việt Nam cất công từ quê nhà (lẫn người Việt đang sinh sống và làm việc tại Yangon) đến Thuwanna, số lượng này thực sự áp đảo so với vài chục người Malaysia, chỉ thỉnh thoảng ca bài ca cổ động.

Các cổ động viên Việt Nam dù bị ban tổ chức sân tước kèn trống nhưng vẫn hết mình vượt khó và cổ vũ đầy nhiệt tình. Ảnh: HUY HÙNG

Mặc cho chiến binh xung trận bị tước hết khí giới, cổ động viên Việt vẫn cháy hết mình bằng trái tim cuồng nhiệt. Không kèn, không trống nhưng một góc khán đài Thuwanna luôn vang dậy tiếng vỗ tay, tiếng hò hát không ngớt của hàng trăm người hết lòng với đội tuyển. Những người con xa xứ đến chung vui cùng tình yêu bóng đá. Họ đứng đấy hiên ngang khuấy động tinh thần, tiếp lửa cho các cầu thủ chạy dưới cái nắng cháy da.

Ở góc khán đài ấy, hàng trăm chiếc áo đỏ lúc dập dềnh tạo sóng, lúc cùng nhau hò hát vang dậy cả góc trời. Những âm thanh phát ra từ tiếng vỗ tay rất nhiệt. Hàng trăm đôi tay giơ cao xếp thành chữ V cứ thế bôm bốp, đập vào nhau tạo nên những âm thanh thúc giục, rộn rã. Xót xa nhìn những bàn tay đỏ au, chúng tôi hỏi có đau không? Tất cả đồng thanh rất dứt khoát “không”.

Thế mới biết một khi đã yêu, con người ta bất chấp những khó khăn và giới hạn!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm