Khi trọng tài sai nhiều hơn người ta thấy...

Tổ trọng tài Trần Văn Trọng đồng loạt bị treo còi và treo cờ sau những sai sót nghiêm trọng làm sai lệch kết quả trận CLB TP.HCM - Hà Nội 0-3. Ban trọng tài VFF sau khi soi băng ghi hình đã thừa nhận các trọng tài từ chối một quả phạt đền cho chủ sân Thống Nhất khi trung vệ Thành Chung để bóng chạm tay, hay trường hợp Văn Quyết ghi bàn trong thế việt vị là sai.

Dĩ nhiên, khi trọng tài mắc lỗi lớn, lại làm dậy sóng dư luận buộc Ban trọng tài không thể ngồi yên, dù luật quy định CLB không có quyền khiếu nại phạt đền hay không phạt đền, việt vị hay không việt vị... Việc kỷ luật trọng tài cho nghỉ vài trận rồi quay lại chỉ để xoa dịu và nói thay cho sự nghiêm khắc nửa vời, còn chuyện HLV Chung Hae-seong sau trận thua tức tưởi ấy xin nghỉ việc mới đau đớn.

Trước đó, hai tổ trọng tài khác cũng sai lầm nghiêm trọng ở trận Nam Định - Hải Phòng 0-2 và Sài Gòn - Nam Định 3-0. Riêng HLV Nguyễn Văn Sỹ cũng mất ghế và mất tiếng, chỉ mình ông chịu?

HLV Chung Hae-seong rất hiền nhưng nhiều lúc uất ức phải tranh luận với trọng tài (ảnh nhỏ), còn các học trò ông thì vây trọng tài Trọng khi ông này 
cố tình quên luật. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Đáng nói là những nỗi đau của CLB lại bị Ban trọng tài VFF cố tình đánh lận con đen cho rằng đấy là chuyện bình thường, bất chấp nó gây thiệt hại cho Nam Định một cách liên tục.

Ông Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền bào chữa rất lạ lùng là CLB Nam Định cũng hưởng lợi từ sai sót của trọng tài sao không ai nói (!?). Lời tự thú này có vẻ như che chắn cho giới trọng tài nhưng thực chất nó càng vạch trần những sai lầm tệ hại hơn, khi lấy cái sai này sửa cái sai khác. Phát ngôn của ông trưởng ban cho thấy góc khuất lộ ra ầm ĩ của giới trọng tài không chỉ thấy rõ ràng trình độ nghiệp vụ non kém, mà còn lặng lẽ cho đội khác hưởng lợi từ cái sai không rõ vô tình hay cố ý của mình.

Ông Hiền còn phê phán cầu thủ hay phản ứng trọng tài bất chấp đúng sai và dẫn chứng là tiền đạo Công Phượng trong trận thua Hà Nội, nếu ở nước ngoài xứng đáng bị phạt thẻ. Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh của Công Phượng khi tranh cãi dữ dội với trọng tài Trần Văn Trọng, thậm chí còn cố ý va chạm cho thấy bản lĩnh của trọng tài quá yếu.

Bởi nếu tin vào quyết định không thổi phạt đền và cho rằng mình đúng, trọng tài đã cho Công Phượng “ăn thẻ” ngay lập tức chứ không cần nhắc nhở. Ngược lại, vì còn nghi ngờ với chính tiếng còi của mình, trọng tài Trọng mới để cầu thủ “ăn hiếp”. Thậm chí, người ta còn có quyền nghi ngờ cả việc trọng tài thổi việt vị Văn Quyết sau khi ghi bàn chẳng khác nào “lại quả” sửa sai cho TP.HCM dù muộn (!?).

Trọng tài cũng là con người và sai sót là chuyện rất đỗi bình thường nhưng chính người trong cuộc lại đang hạ thấp uy tín lẫn trình độ của “vua sân cỏ” như một ly nước đổ đi không thể hốt lại.

Trọng tài không tiêu cực

Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền cho biết do lịch thi đấu diễn ra với mật độ dày đặc nên phải huy động tối đa số lượng trọng tài để điều hành các trận đấu. Tuy nhiên, lực lượng trọng tài rất mỏng, một số khác vẫn còn non kinh nghiệm, dễ dẫn đến xảy ra những sai sót. Từ đầu giải đến nay, Ban trọng tài luôn bám sát và xử lý nghiêm đối với các trọng tài mắc sai sót, gây ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Tuy nhiên, Ban trọng tài khẳng định đó là những sai sót về con người chứ hoàn toàn không phải xuất phát từ hành vi tiêu cực.

Đối với giải pháp nâng cao chất lượng cho trọng tài bóng đá, ông Dương Văn Hiền cho biết Ban trọng tài đã xây dựng các phương án căn cơ, mong VFF ủng hộ và tạo điều kiện cả về tài chính, trang thiết bị, cơ sở vật chất. Sắp tới, Ban trọng tài sẽ tập huấn ngắn hạn với nhiều đổi mới về nội dung nhằm bồi dưỡng năng lực tốt hơn cho các trọng tài, mời chuyên gia tâm lý tham gia đứng lớp, tổ chức phân tích rút kinh nghiệm với các tình huống thực tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm