Sau giải ADC tour of Vietnam 2012

Khóc, cười với xe đạp Việt Nam

Lần đầu tiên kết hợp cùng Liên đoàn Xe đạp mô tô thể thao Việt Nam tổ chức thành công tour đấu tầm cỡ châu lục, đó là nỗ lực rất đáng trân trọng của Tập đoàn Dược phẩm ADC.

Khóc, cười với xe đạp Việt Nam ảnh 1
Xe đạp Việt Nam đã rút ra nhiều bài học quý sau giải ADC. Ảnh: XUÂN HUY

Trọng tài đông mà không tinh

Sai lầm đáng tiếc nhất là ban trọng tài công nhận nhầm áo vàng cho Mai Nguyễn Hưng (Eximbank TP.HCM) hai chặng liền chỉ vì “quên” tính giờ thưởng sprint dọc đường cho tay đua Huang En (Max Succes Sport Trung Quốc). Nếu được trang bị bộ thiết bị chấm điểm điện tử gắn chíp lên xe tất cả VĐV (có thể mua hoặc thuê mướn nhưng giá rất đắt), chắc chắn trọng tài Việt Nam sẽ tránh được một phen ê chề trước bạn bè quốc tế.

Ban trọng tài gồm 21 thành viên do tổng trọng tài UCI (Hiệp hội Xe đạp Quốc tế) người Sri Lanka Kurunaratna điều hành, dưới sự hỗ trợ của đồng nghiệp Hàn Quốc Edward Park cùng 19 trọng tài Việt Nam. Cựu HLV trưởng đội tuyển Trần Văn Quýt so sánh: “Nếu so với các giải 2.2 châu Á khác, giải này sử dụng nhiều trọng tài hơn hẳn. Xét về khả năng chấm điểm thủ công, trọng tài Việt Nam làm số một khu vực. Theo tôi, sai sót đáng tiếc nêu trên do lần đầu áp dụng cách tính điểm của UCI nên anh em còn bỡ ngỡ”.

Không chỉ học luật chưa thông, đa phần các trọng tài Việt Nam còn yếu Anh ngữ dẫn đến những sự cố khó đỡ trên đường đua. Chẳng hạn, trọng tài phụ trách bảng báo giờ tách tốp, thay vì dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính cho các đội quốc tế cùng hiểu, ông này ghi luôn chữ VĐV (vận động viên) lên bảng. Địa điểm tiếp tế cũng vậy, trọng tài vẽ đường vô tư sơn luôn chữ “tiếp tế” to đùng trên đường khiến các bạn quốc tế nhiều phen chưng hửng.

Chính vì đôi bên không hiểu nhau nên báo hại toàn đội Mỹ phải bỏ dở cuộc đua vì đến giờ xuất phát tại Long Xuyên nhưng các tay đua Mỹ vẫn còn ở Cần Thơ.

VĐV đã biết tôn trọng luật chơi

Điểm đáng ghi nhận nhất là tính chuyên nghiệp đã được các tay đua Việt Nam nâng lên rất nhiều. Nếu tại các giải đấu trong nước, đi tốp đầu đa số các tay đua thường “núp gió” mặc cho đồng nghiệp kéo chờ “nước khuya” (cuối chặng) tung sức giật chiến thắng thì tại giải này, những hình ảnh xấu xí ấy không còn đất sống.

Tay đua giành áo xanh chung cuộc Saleh Modh Harrif (CLB Terrenganu Malaysia) cho biết: “Tôi không thích các tay đua giành vinh quang từ công sức người khác. Nếu gặp trường hợp này, tôi sẽ tìm cách đẩy anh ta ra khỏi tốp”.

“Luật đường đua” quốc tế, các tay đua cùng tranh danh hiệu cũng có những quy định ngầm rất đẹp. Chẳng hạn, khi VĐV áo vàng bị bể bánh, đối thủ không bao giờ tấn công mà chờ tay đua áo vàng trở lại đường đua mới tổ chức bứt phá. Hình ảnh đẹp ấy được các đội cạnh tranh áo vàng Eximbank TP.HCM, Iran, Astana (Kazakhstan)… thể hiện ở chặng cuối Cần Thơ - TP.HCM, khi Huang En bị bể bánh tụt lại cuối đoàn đua. Ngược lại, ở giải quốc nội khi xảy ra sự cố tương tự, tay đua của cùng đội buộc phải hy sinh đổi xe để VĐV áo vàng tiếp tục hành trình bảo vệ danh hiệu.

Một điểm sáng nữa là xuất phát với 147 VĐV nhưng khi cuộc đua kết thúc chỉ có 84 tay đua được tính điểm tổng sắp. Thực tế này khác hẳn các giải đua trong nước, BTC luôn du di cho các tay đua đi đông về đủ.

Ngoài những chuyện khóc, cười kể trên, ADC tour đã giúp xe đạp Việt Nam rất hạnh phúc khi có tên trên bản đồ xe đạp chuyên nghiệp nhờ chức vô địch đồng đội đầu tiên trong lịch sử của các tay đua Eximbank TP.HCM.

MINH QUANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm