Không lo chết oan vì ‘bàn tay Chúa’

Nếu người Anh hận Maradona chừng nào vì “bàn tay Chúa” ở Mexico 1986 thì người Argentina lại xem tác giả “bàn tay Chúa” như một vị thánh.

Đã 32 năm qua, Maradona vẫn tự hào về “bàn tay Chúa” trong khi FIFA và Hội đồng Trọng tài thì từng bước đã có những cải thiện lớn để tránh một đội bóng bị “chết oan” như Anh năm 1986.

Nghịch lý là trong khi FIFA đang nỗ lực đưa công nghệ vào để không còn thảm cảnh mối hận truyền kiếp mà 32 năm qua người Anh vẫn ngậm đắng nuốt cay thì tại Anh, công nghệ VAR (video hỗ trợ trọng tài) vẫn chưa được ủng hộ.

FIFA đã thông qua công nghệ VAR, sử dụng ở World Cup 2018 dù gây nhiều tranh cãi. Quyết định trên được đưa ra tại trụ sở của FIFA ở  Zurich (Thụy Sĩ) sau khi VAR được sử dụng thử nghiệm ở Đức và Ý cùng một số giải đấu.

Mục đích của công nghệ VAR là “can thiệp tối thiểu nhưng mang lại lợi ích tối đa” qua các trường hợp như bàn thắng gây tranh cãi, các quả 11 m, thẻ đỏ và lỗi phạt nhầm…

Với “bàn tay Chúa” khiến đội Anh chết oan ở tứ kết. Ảnh: GETTY IMAGES. Công nghệ VAR đưa vào World Cup (ảnh nhỏ) không phải được tất cả đều ủng hộ. Ảnh: GETTY IMAGES

Tuy nhiên, chính tại Anh thì công nghệ này bị phản đối dữ dội dù người Anh từng hận Maradona, hận “bàn tay Chúa” và hận cả trọng tài đã giết đi cơ hội vào bán kết của họ ở Mexico 1986.

Nói về vấn đề trên gắn với những kỷ niệm World Cup, giảng viên trọng tài Đoàn Phú Tấn từng chia sẻ rất thú vị: Năm 1998 khi Pháp đăng cai World Cup, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp tại Hà Nội tổ chức một cuộc họp mặt sau vòng đấu bảng. Khi ấy, tôi được mời với tư cách một trọng tài của giải vô địch quốc gia Việt Nam đến tham gia ý kiến đánh giá công tác trọng tài World Cup.

Có một câu hỏi đặt ra: “FIFA đang có ý định đưa công nghệ vào trợ giúp trọng tài (ngày đó công nghệ đường biên ngang cũng chưa có) với ý tưởng một nhóm chuyên gia ngồi trong cabin trên cao, trợ giúp trọng tài trong những tình huống nhạy cảm, khó quan sát. Ông suy nghĩ thế nào về ý tưởng đó?”.

Tôi trả lời ngay: “Hãy hình dung một trận đấu trọng tài phải vài lần nghe lệnh từ trên cao để thay đổi quyết định thì có còn uy tín để điều khiển trận đấu nữa không? Có cầu thủ sẽ nói rằng: “Làm trọng tài như ông, bà ngoại tôi cũng làm được. Vì ông chỉ cầm còi, còn cái người trên cao kia mới điều khiển”. Tôi còn nói thêm, nếu đến ngày ấy mà tôi còn cầm còi, tôi sẽ trả còi cho ban tổ chức, không làm nữa. Nghe đến đấy mọi người cười ồ. Vậy mà sau 20 năm, điều ấy thành hiện thực rồi...

Đúng là đưa công nghệ vào thì không lo chết oan nhưng tranh luận nằm ở chỗ làm mất đi cảm xúc khi xem bóng đá, giống như ở Anh họ từng áp dụng và bị lên án gắt gao bởi có khi cả khán đài mừng một bàn thắng và sung sướng cho đã rồi thì vài phút sau lại có quyết định hủy, không cho ăn bàn sau khi trọng tài xem video.

Công nghệ VAR đưa vào sẽ tránh chết oan nhưng có thể sẽ làm giảm đi sự sung sướng của người xem vì bóng đá lệ thuộc vào công nghệ. Điều mà nhiều người chống VAR nói là trọng tài đang bị biến thành robot.

Bí mật sự mâu thuẫn của trọng tài qua “bàn tay Chúa”

Trợ lý trọng tài Bogdan Dochev (hồi đó còn gọi là trọng tài biên), người không bị khuất tầm nhìn khi thấy Maradona ghi bàn bằng tay ở tứ kết World Cup 1986, nói rằng đó là nỗi ám ảnh đeo bám ông suốt đời. Từ chỗ có tất cả, gia đình vị trọng tài biên người Bulgaria đánh mất mọi thứ.

Người vợ đáng thương của ông Bogdan Dochev nói rằng chồng mình đã phải trải qua một cuộc sống kinh hoàng khi bị tra tấn về nhiều mặt sau “bàn tay Chúa” năm 1986. Ông bị mọi người ghẻ lạnh, bạn bè xa lánh, dày vò bản thân và đã qua đời ở tuổi 80.

Sau Mexico 1986, chính trọng tài này chia sẻ rằng không ai tin ông dù lúc đó trên sân Estadio Azteca ông là người nói với trọng tài chính Nasser rằng Maradona chơi bóng bằng tay nhưng trọng tài chính lại nói: “Tôi quyết và tôi chịu trách nhiệm”.

ANH VĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm