Không thể thay đổi việc Malaysia chọn bảng SEA Games 29

Những ngày qua, việc chủ nhà SEA Games 29 Malaysia được ưu tiên chọn bảng vẫn tiếp tục nóng trên các trang báo. Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã có điện đàm với ông Tổng Thư ký AFF Ahmad Azzuddin để trao đổi. Mới đây, tại cuộc họp Hội đồng Bóng đá Đông Nam Á diễn ra sáng 1-7 tại Nha Trang, vấn đề này cũng được đưa ra nhưng quả bóng đã được đá đi một cách khéo léo. Điều đó cũng có nghĩa rất khó để thay đổi dù ai cũng thấy bất hợp lý.

Bóng đá SEA Games được LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) điều hành.  Tổng Thư ký AFF Ahmad Azzuddin là người Malaysia; cao hơn nữa, Tổng Thư ký AFC Windsor John cũng là người Malaysia. Đó là chưa kể trong các ban bệ khác của AFF và AFC số đông quan chức cấp cao cũng là người Malaysia. Và chính những thành viên này không biết đứng trên danh nghĩa AFC, AFF hay của quốc gia họ đã có những trả lời rất “quy củ” dựa trên quyền lợi của chủ nhà SEA Games 29 Malaysia. Họ nói rằng thực tế thì Malaysia làm điều này là không mới bởi các SEA Games trước đó, các quốc gia đăng cai vì là chủ nhà nên đã có được quyền này và quyền trên đã được vận dụng ít nhất là từ SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam (!?). Họ còn nói rằng vì SEA Games 22 chủ nhà Việt Nam chỉ muốn chọn bảng đá ở Hà Nội và đá trên sân Mỹ Đình nên không làm như Malaysia bây giờ.

Malaysia được ưu tiên chọn bảng để có ưu thế tại SEA Games 29 mà họ đăng cai.

Bảng đấu SEA Games 28 mà chủ nhà Singapore được ưu tiên chọn bảng và quy định trong Sổ tay kỹ thuật về bốc thăm ở SEA Games được ban hành trước năm 2003 mà Việt Nam đăng cai.

Mãi cho đến SEA Games 28 (2015), Singapore đã “đọc kỹ” quy chế SEA Games và vận dụng quyền này. Nhìn vào hai bảng đấu SEA Games 28 (ảnh) rất dễ nhìn ra, bảng A: Singapore (chủ nhà), Indonesia, Myanmar, Philippines và Campuchia rất nhẹ. Còn lại bảng B có Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Lào, Brunei, Đông Timor. Như vậy là bảng B vừa “tử thần” và vừa đến sáu đội, trong khi đó bảng A vừa ít đội hơn lại vừa là bảng rất nhẹ.

Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Malaysia Sieh Kok Chi cũng là thành viên cao cấp trong Hội đồng SEA Games cho biết là đã có tiền lệ về việc chủ nhà được chọn bảng, song vì có nhiều nước không vận dụng. Cùng với đó, ông Sieh Kok Chi trưng ra cuốn Sổ tay kỹ thuật SEA Games thì vấn đề này đã được “in sách” trước SEA Games 22. Điều này có nghĩa “hạt giống” của hai bảng là hai đội vào chung kết của SEA Games trước đó (SEA Games 21) ở mục 13.1 trong khoản 13 (phần phân hạt giống) của cuốn Sổ tay kỹ thuật. Còn ở phần 13.2 thì chủ nhà (Việt Nam) được chọn bảng cũng có trong “sách kỹ thuật” này rồi.

Và mọi chuyện đã rõ, cũng trong những ngày qua VFF, AFF và cả AFC hứa rằng sẽ can thiệp vào chủ nhà Malaysia để cho việc bốc thăm môn bóng đá SEA Games được fair play hơn. Tuy nhiên, nếu dựa vào quy định đã có thành văn bản thì rõ ràng là không thể can thiệp, trừ khi chủ nhà Malaysia tự nguyện.

Thực tế là AFF lẫn AFC không thể can thiệp bằng quyền lực, thậm chí là “dọa” được mà chỉ tư vấn, gợi ý và phân tích mà thôi. Còn nếu như chủ nhà SEA Games 29 không thay đổi quan điểm thì AFF và AFC chắc chắn cũng chịu thua vì không ai dám đụng đến những gì thuộc về quy định và luật đã ban hành, dù là ban hành rất bất hợp lý.

Rõ là ao làng có nhiều điều không giống ai nhưng tất cả đều phải chấp nhận cùng đặc ân có sẵn cho chủ nhà tự tung tự tác.

AFF đá quả bóng lên AFC và Ủy ban Olympic

Sáng 1-7, cuộc họp Hội đồng LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) diễn ra tại Nha Trang có bàn về nguyên tắc bốc thăm môn bóng đá và Futsal tại SEA Games 29 mà chủ nhà Malaysia tự cho mình đặc quyền chọn bảng.

Đại diện VFF đã đưa ra vấn đề này trước Hội đồng AFF và bày tỏ quan điểm về nguyên tắc bốc thăm lần đầu tiên áp dụng tại SEA Games không theo thông lệ quốc tế đang áp dụng tại các giải thi đấu bóng đá. Việc chủ nhà Malaysia có quyền chọn bảng đấu sau khi các đội đã bốc thăm xong sẽ dẫn đến sự thiếu khách quan và không đảm bảo cân bằng về chuyên môn giữa các bảng.

Các thành viên Hội đồng AFF nhất trí với ý kiến của VFF, đồng thời đã thông qua đề xuất sẽ gửi kiến nghị tới LĐBĐ châu Á (AFC) có ý kiến đối với Ban tổ chức (BTC) SEA Games 29. Hội đồng AFF cũng yêu cầu các LĐBĐ thành viên thông qua Ủy ban Olympic quốc gia buộc chủ nhà Malaysia phải thay đổi cách bốc thăm.

Đây không phải là lần đầu tiên Hội đồng AFF có ý kiến với BTC SEA Games 29 về các vấn đề liên quan đến môn bóng đá. Tại cuộc họp hồi tháng 12-2015, Hội đồng AFF đề xuất độ tuổi tham dự môn bóng đá nam tại SEA Games 29 là U-22 thay vì U-21 như thông báo từ chủ nhà Malaysia. Đề xuất này của Hội đồng AFF sau đó được BTC SEA Games 29 chấp thuận do phù hợp với hệ thống thi đấu của AFC, FIFA và Ủy ban Olympic, đảm bảo tính liên tục trong huấn luyện, thi đấu cho cầu thủ trẻ ở Đông Nam Á.

ANH NHẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm