Kiểu đua ‘truyền thống’ bị phá vỡ bởi các cuarơ ngoại

Dù chỉ có hai đội quốc tế mang danh là hai đội đua Đông Nam Á nhưng cả BICT (đại diện Thái Lan) và SICT (đại diện của Lào) đa phần là những tay đua châu Âu chuyên tham dự các cuộc đua tour 2.2 của Liên đoàn xe đạp quốc tế (UCI).

Chính những yếu tố ngoại đã buộc các đội đua trong nước phải tích cực thay đổi, đặc biệt là về mặt chiến thuật. Các VĐV ngoại thi đấu vô tư theo kiểu “có làm có hưởng” chứ không theo cách đua “truyền thống” của các đội trong nước là núp gió, tính toán chờ thời.

Chính cách đua “có làm có ăn” của các tay đua ngoại đã tạo ra những cuộc tách tốp bứt phá ngoạn mục, giúp đường đua trở nên sôi động hơn. Nó khác hoàn toàn với kiểu dồn chùm rồi giải quyết với nhau bằng nước rút tại đích đến. Thế nên không quá khó hiểu vì sao qua sáu chặng đấu, chiếc áo vàng danh giá thay đổi chủ nhân đến bốn lần.

Sự có mặt của các tay đua quốc tế giúp chuyên môn hấp dẫn hơn các cuộc đua khi chỉ có người nhà với nhau. Ảnh: MQ

Nếu như Trần Nguyễn Duy Nhân (Quân khu 7) vinh dự hai chặng liền mặc áo vàng thì ở chặng thứ ba, tuyển thủ trẻ Quàng Văn Cường (BVTV An Giang) khoác lên mình danh hiệu cao nhất. Với cú rút thắng ở chặng 4, Jos Koop (BICT) đoạt áo vàng rồi tiếp tục duy trì qua luôn chặng 5.

Tại chặng thi đấu thứ sáu (Vinh - Thanh Hóa, dài 149 km), tay đua Võ Phú Trung (Gạo Hạt Ngọc Trời) trở thành chủ nhân thứ tư của danh hiệu danh giá nhất cuộc đua. Với chiến thắng sau 3 giờ 39’04” chặng 6, cuarơ Lê Văn Duẩn (Anh văn Hội Việt Mỹ TP.HCM) rút ngắn khoảng cách 41 điểm áo xanh xuống còn 13 điểm so với Jos Koop, hứa hẹn cuộc chiến giành danh hiệu vua tốc độ sẽ gay cấn đến tàn cuộc.

Trên bảng tổng sắp đồng đội, Dược Domesco Đồng Tháp vượt qua Gạo Hạt Ngọc Trời và Anh văn Hội Việt Mỹ TP.HCM để chiếm ngôi đầu.

Sáng nay (30-8), các tay đua tranh tài chặng 7 Thanh Hóa - Nam Định lộ trình dự kiến 133 km.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm