Làm kiểu VFF thì thầy nào cũng ‘gãy’

Cú đánh đầu ngược của Công Vinh vào lưới Thái Lan ở phút 90+3 giúp đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 đã cứu cho ông thầy Calisto khỏi từ chức hoặc bị chính VFF ép từ chức như rất nhiều đời HLV khác. Riêng HLV Hữu Thắng lúc này chắc hẳn vẫn còn đau xót sau cú sút của Tuấn Tài ở phút bù giờ trận gặp U-22 Indonesia, bóng không tìm đến xà ngang thì có thể ông đã là người hùng như tiền nhiệm Calisto.

Sự may mắn trong bóng đá luôn có tính chất quyết định rất lớn đến vận mệnh của đội tuyển và của ông thầy, dẫn đến ranh giới giữa người hùng và tội đồ thật mong manh.

HLV Hữu Thắng nhận hết trách nhiệm về mình không phải để khi mổ xẻ, những người có trách nhiệm cứ đổ hết lên đầu ông. Ảnh: HUY PHẠM

Luôn luôn khó cho những ông thầy cả nội lẫn ngoại trực tiếp điều binh ở mặt trận và thông thường rất dễ cho các nhà quản lý bóng đá Việt Nam cứ sau mỗi rủi ro của đội tuyển thì đẩy hết trách nhiệm cho HLV trưởng là phủi tay. Cuộc họp mổ xẻ thất bại SEA Games 29 của nội bộ VFF vẫn là cách ứng xử quen thuộc ấy. Nhưng điều quan trọng hơn, định hướng chọn thầy mới cho các đội tuyển quốc gia của VFF suốt hàng chục năm qua chỉ đi theo một lối mòn và không khó cho tất cả nhìn ra cái kết của làng bóng cứ như con kiến mà leo cành đa.

VFF có đông đảo các bộ phận chuyên môn mang tiếng trình độ cao thì phải biết các đội tuyển có gì và cần gì, chứ không chỉ ném ra bản hợp đồng với cái chỉ tiêu vô địch Đông Nam Á là xong.

Chẳng hạn, VFF chỉ ra sai lầm của HLV Hữu Thắng là xoay tua lực lượng không hợp lý, lối chơi bị bắt bài, giải quyết tâm lý cho cầu thủ yếu, kinh nghiệm cầm quân non nớt… Hầu như những khuyết điểm của HLV Hữu Thắng bị chỉ ra đều đúng. Chỉ tiếc là hơn một năm dẫn dắt các đội tuyển quốc gia đã có nhà chuyên môn nào của VFF nhắc nhở hạn chế của thuyền trưởng để lèo lái con tàu đi đúng hướng?

Càng không phải cứ cho thầy trò Hữu Thắng đi tập huấn nước ngoài với những trận giao hữu tẻ nhạt thắng đậm các đội mạnh của Hàn Quốc mà thực chất chủ nhà đá như giải mỏi, còn VFF thì tặc lưỡi nói chất lượng là giải quyết hết tồn tại của U-22 Việt Nam.

Thật lạ khi mọi sự liên quan đến đội tuyển đều do một tay Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn thay quyền của chủ tịch quyết tất tần tật nhưng đến khi vỡ chuyện thì xuất hiện hàng lô hàng lốc chuyên gia ngồi “định tội” HLV Hữu Thắng.

Đội tuyển thất bại, HLV trưởng gãy gánh. Chẳng ai thấy trách nhiệm của các nhà quản lý và điều hành của VFF ở đâu cả! Thế thì có thầy nào ngồi lên ghế nóng cũng thế thôi.

VFF phải thay đổi

Nhà báo Huỳnh Sang (VOH) nói về việc HLV Hữu Thắng từ chức và vai trò của VFF: “Cuộc họp mổ xẻ của VFF thực tế chỉ là cách giải quyết vấn đề theo kiểu tìm chỗ để đẩy trách nhiệm, lo đối phó dư luận, hướng đến tiểu tiết của những người quản lý, điều hành bóng đá. Trong khi cái VFF cần làm là thay đổi nền tảng, thay đổi bản chất của nền bóng đá, thay đổi chiến lược để phát triển giải quốc nội, cải thiện chất lượng con người thì chưa hề thấy làm đến nơi đến chốn. VFF không phải sau mỗi trận đấu, giải đấu thất bại sẽ tìm ra “thủ phạm” và ai thay thế chiếc ghế HLV trưởng các đội tuyển là xong.

Bầu Đức từ chức hoặc có thêm ai đó từ chức nữa cũng chẳng sao. Nhưng từ việc rút lui của bầu Đức cho thấy ông dám chịu trách nhiệm. Các quan chức VFF rất cần có suy nghĩ rằng nếu đóng góp của mình yếu quá hoặc không có giá trị gì cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam thì nên nghỉ. Một tổ chức xã hội sẽ không tiến bộ nổi khi những con người ngồi ở đấy có mặt cho đủ tụ, không có mặt cũng chẳng ảnh hưởng gì, thậm chí còn gây cho sự việc nặng nề hơn thì cần phải thay đổi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm