Lối mòn bầu bán ở VFF

Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII chưa diễn ra nhưng đã chắc chắn có tân chủ tịch vì chỉ có mỗi Thứ trưởng Lê Khánh Hải ứng cử. Hai ứng viên cuối cùng là giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, ông Cấn Văn Nghĩa, nộp đơn xin rút vì “không tranh chức với cấp trên”. Còn nguyên Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Công Khế không ứng cử do bận việc.

Sau gần năm tháng lấy ý kiến thành viên giới thiệu ba lần, chức danh chủ tịch VFF khóa mới tưởng khó tìm nhất ai ngờ lại dễ dàng nhất. Từ bản danh sách có đến năm cái tên, giờ chót bốn nhân vật xin rút vì nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, ai cũng thấy rõ vấn đề chủ yếu là không thể tranh phiếu bầu với người đến từ Bộ VH-TT&DL, lại còn mang hàm cấp trên, bởi nếu ứng viên đã bận thì bận ngay từ đầu xin rút tên rồi.

Thực chất Thứ trưởng Lê Khánh Hải từ lâu đã nói không ra tranh cử ghế chủ tịch VFF khóa VII do công tác quản lý chung các ngành văn hóa, thể thao, du lịch nên nhắm sẽ thiếu thời gian và không thể quán xuyến sâu sát chỉ riêng mảng bóng đá. Bất ngờ vào phút 89, ông gật đầu.

VFF khóa mới có một ứng cử chức danh chủ tịch nên không cần bỏ phiếu.  Ảnh:  QUANG THẮNG

Người trong cuộc rất mong muốn các ứng viên cho ghế cao nhất VFF tranh cử một cách sòng phẳng và thuyết phục với chương trình hành động cụ thể giúp bóng đá Việt Nam phát triển nhưng rốt cuộc nó không xảy ra. Điều này cũng cho thấy lối mòn xưa cũ trong việc bầu bán ở VFF, đặc biệt vị trí đứng đầu luôn một mình một ngựa về đích.

Bốn năm trước, ông Lê Hùng Dũng từng rất hào hứng với dự kiến thuyết minh phương án vực dậy làng bóng khi có những đối thủ khác cùng có những đề án và lộ trình cụ thể. Thế nhưng ông Dũng cuối cùng không mất chút công sức nào để tranh cử chiếc ghế quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam vì ứng viên Lê Khánh Hải rút lui vào giờ chót.

Trước đó, trong cuộc tranh cử chủ tịch VFF ở khóa V có hai ứng viên và người chiến thắng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Trọng Hỷ. Nhiệm kỳ tiếp theo, chẳng còn ai hào hứng ra tranh cử vì biết chắc sẽ… thua khi ông Hỷ tiếp tục ra ứng cử trong vai trò khác là thứ trưởng Bộ VH-TT&DL. Tương tự, các thời chủ tịch VFF ra ứng cử do điều động xuống như Trịnh Ngọc Chữ, Mai Văn Muôn, Hồ Đức Việt, Mai Liêm Trực,… đều an toàn về đích.

Khi “người nhà nước” được cấp trên giới thiệu ra tranh cử ghế cao nhất tổ chức xã hội nghề nghiệp VFF, bóng đá Việt Nam chưa có một cuộc cạnh tranh nào sòng phẳng và gay cấn cả.

Sợ thiếu thời gian

Những gì người ta nhớ về tân Chủ tịch VFF khóa VII Lê Hùng Dũng là khi tuyên bố nhậm chức rằng mỗi năm sẽ mang về 381 tỉ đồng cho bóng đá nhưng chẳng ai thấy đâu. Trong nhiệm kỳ của mình, doanh nhân Lê Hùng Dũng không có phát kiến ấn tượng cho bóng đá Việt Nam, không chỉ do hơn nửa số thời gian dưỡng bệnh mà còn gây ra nhiều sóng gió như việc giao quyền hành vào cấp phó Trần Quốc Tuấn làm thường trực sai nguyên tắc. Điều mà một ủy viên ban chấp hành mỉa mai VFF giống công ty TNHH hai thành viên. Chính vì thiếu thời gian nên bầu Đức với tư cách phó chủ tịch VFF tiết lộ mỗi năm VFF khóa VII chỉ họp có hai lần, mỗi lần 15 phút thì làm gì được. Hy vọng VFF nhiệm kỳ mới không đi vào vết xe đổ của các tiền nhiệm, dù nguy cơ tân chủ tịch kiêm nhiệm sẽ thiếu thời gian là có thật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm