Nhà vô địch Taewkondo Nguyễn Văn Hùng rời thảm đấu: Đằng sau vầng hào quang

Đằng sau vầng hào quang nghề tay phải

Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Hùng tại một căn gác sát bên trụ sở của Liên đoàn taekwondo TP.HCM ở đường Lê Đại Hành. Hùng thú thật: “Tôi đã hết tiêu chuẩn ở rồi nhưng các thầy thương nên cho ở ké vậy thôi”. Gọi là căn gác ở sang chứ rất tồi tàn và bốc mùi hăng hắc vì bề bộn dụng cụ và giày dép thi đấu trong khi then cửa thì có cài cũng như không.

Gặp chúng tôi, Hùng ngậm ngùi kể: “Đầu tháng 9 tới, sau khi học xong Đại học TDTT khóa HLV tại TP.HCM tôi sẽ ra Hà Nội tham gia ban huấn luyện đội tuyển taekwondo Việt Nam. Rời sàn đấu thì tiếc thật nhưng đành phải thế thôi. Nhìn tôi vạm vỡ thế mà chấn thương khắp người. Qua ba lần mổ mất cả... xô máu thì sức đâu mà thi đấu nữa. Sau trận đấu, nhiều đêm không ngủ được vì mình mẩy ê ẩm. Có lúc ho ra cả máu và chỉ mình đau đớn với mình chứ đâu ai biết đằng sau vinh quang là thế...”. Chưa kể Hùng còn mang những vết thương khác sau 11 năm cống hiến như đứt dây chằng gối, vỡ sụn gối, chấn thương cổ chân. Còn tay thì gãy đi gãy lại nhiều lần và chấn thương trên mình mẩy thì nhiều vô kể...

Nguyễn Văn Hùng và chiến tích cùng thể thao Việt Nam. Ảnh: XUÂN HUY
Nguyễn Văn Hùng và chiến tích cùng thể thao Việt Nam. Ảnh: XUÂN HUY

Nghề tay trái kiếm tiền ngon hơn nghề tay phải

Ngoài taekwondo, Hùng cùng những người bạn đam mê bóng rổ thành lập CLB Bóng rổ đường phố. Thi đấu tốt và có chiều cao lý tưởng, thế là Hùng được ông chủ hãng Joton mời về thi đấu năm 2007. Hiện Hùng là một tiền đạo chủ lực của đội Joton tham dự các giải vô địch bóng rổ quốc gia. Lương của Hùng 4,5 triệu đồng mỗi tháng, cộng thêm tiền thưởng nếu thi đấu thường xuyên cũng lên đến bảy triệu đồng. Nói như Hùng là nhờ cái nghề tay trái này mà tạm sống được.

Điều khiến Nguyễn Văn Hùng trăn trở chính là nghề tay phải của anh có nhiều tài năng sau khi chia tay thảm đấu về thì họ chẳng được trọng dụng. Chẳng hạn như Hiếu Ngân hay Huyền Diệu... Hiếu Ngân từng mang về huy chương bạc Olympic nhưng bây giờ làm văn phòng và dạy phong trào cho các em nhi đồng. Riêng bản thân Hùng thì mỗi chiếc huy chương vàng SEA Games được thưởng 15 triệu đồng từ Ủy ban TDTT. Và trong 11 năm thi đấu đỉnh cao, anh được thưởng trên dưới 200 triệu đồng, vừa giúp mẹ ở quê vừa dành dụm để mang ra trang trải việc học đại học thế là hết sạch.

Những trận đánh đáng nhớ của Nguyễn Văn Hùng

Hùng kể, cứ đội tuyển taekwondo ra nước ngoài thi đấu thì trọng trách huy chương vàng đặt lên vai anh rất lớn. Anh nói: “Nhiều lúc nó tạo thành một áp lực kinh khủng khiến tôi bị ức chế”.

Trận đánh đáng nhớ nhất trong 11 năm thi đấu đỉnh cao của Hùng lại là trận thắng võ sĩ người Qatar để lấy suất dự Olympic Bắc Kinh 2008. Lúc ấy, Hùng vừa qua những đợt phẫu thuật gối mất quá nhiều máu. Hùng gọi đấy là “trận đánh cuộc đời” và quả thật anh đã thắng sít sao 2-1, lấy vé đi Olympic Bắc Kinh mà nhiều lúc vẫn kinh ngạc vì khó khăn quá sau một lần giải phẫu và trở lại đấu trường.

Đó là những vinh quang được đổi bằng mồ hôi và thậm chí là máu

Trong đó cũng có những trận thất bại khiến Hùng nhớ mãi. Đó là World Cup Taekwondo 2001 tại TP.HCM, Hùng vào chung kết hạng 84 kg gặp võ sĩ người Pháp Gentile Pascal và thua 7-8 sau hai lần vượt lên dẫn trước.

Nhắc đến trận đấu này, Hùng kể: “Do kinh nghiệm còn ít khi gặp một đối thủ có thể hình tốt hơn, lỳ lợm hơn mà đang thua điểm nên tôi chưa biết cách bảo vệ lợi thế. Cứ lao vào đánh và thua”.

Nếu chơi bóng đá thì giờ thành tỷ phú rồi

Nguyễn Văn Hùng nói vui nhưng có hàm ý so sánh về loại hình nghề nghiệp. “Ngày trước tôi chơi bóng đá tốt, bóng rổ tốt nhưng cuối cùng đến với môn võ. Giá như hồi ấy tôi chơi võ... lù đù thì có khi chuyển sang chơi đá bóng thì giờ đã thành tỷ phú rồi! Mà nói thật, tôi đá bóng hơi bị hay và chính những cầu thủ chuyên nghiệp cũng nói. Chỉ khổ là cỡ chân của tôi khó tìm giày, nếu chơi đá bóng thì phải cỡ giày châu Âu mới vừa vì tôi cao 1,94 m, nặng hơn 90 kg thì giày phải cỡ chân Santos mới vừa”.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm