Nỗi lo từ thượng tầng kiến trúc của bóng đá Việt Nam

Trong những cuộc gặp mặt giữa VFF và báo chí, đã có lần chúng tôi hỏi thẳng Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh: “Liệu lãnh đạo VFF xúc phạm, chửi bới người khác thì có bị phạt và có cảnh cáo gì không?”. Ông Lê Hoài Anh thoáng bối rối rồi trả lời: “Đó là những phát biểu mang tính cá nhân” (!?).

Rõ ràng là trong chính nội bộ ở thượng tầng của VFF cũng đang bất lực. Tuy nhiên, tác hại của mạnh ai nấy lên tiếng và ai cũng có quyền chỉ trích ở “thượng tầng kiến trúc” nơi một tổ chức xã hội đang ngày càng tạo ra hiệu ứng xấu và mất lòng tin.

Thật đáng lo khi có những chuyên gia nói thẳng rằng “văn hóa chửi” đang ngày càng phát triển, đặc biệt ở những vị điều hành VFF nhưng vì sao không ai ngăn lại hoặc chế tài.

Những ngày qua, giám đốc kỹ thuật của VFF, ông Juergen Gede, đang bị lôi vào vòng xoáy và ông cũng đã bị chửi rất “ác” vì nói đúng, nói sự thật.

Muốn vượt qua các đối thủ, trước hết bóng đá Việt Nam phải vượt qua chính mình, trong đó phần quan trọng nhất là củng cố và hoàn thiện bộ máy điều hành. Ảnh: HUY PHẠM

Trước đây dù từng bị nghi ngờ hay bị hiểu lầm rất nhiều nhưng ông Gede không lên tiếng. Lần này thì ông chia sẻ ngay sau thất bại của đội U-18 Việt Nam (VN). Điều mà ông cho rằng có những vị ở VFF không muốn thấy sự thành công của lứa cầu thủ trẻ.

Từ một nước Đức có nền bóng đá hiện đại bậc nhất thế giới và con người làm việc bằng trách nhiệm cao cùng lòng nhiệt huyết nhưng có thể ông Gede phát hoảng và phát chán khi đến chia sẻ với bóng đá VN vì cách xử sự khó hiểu của chính những người trong ngôi nhà bóng đá.

Có quá nhiều thứ đan xen trong thể hiện quyền lực, quyền lợi và chồng lấn nhau cùng “văn hóa chửi bới” và thích thể hiện. Điều đấy đã làm cho lòng nhiệt huyết của ông Juergen Gede cạn dần. Có thể một ngày nào đó khi bóng đá VN không khắc phục được thì nhiệt huyết đấy sẽ tan chảy trong lòng ông dẫn đến cuộc chia tay.

HLV Miura ngày trước đến làm việc tại VN một thời gian ông nhận ra “bản chất” của quan chức bóng đá VN nói riêng và bóng đá VN nói chung. Ông đã chia sẻ trên truyền hình Nhật rằng đó là thứ văn hóa “bia rượu” ở mỗi lần ăn bữa cùng kiểu sáng xách ô vào cơ quan, chiều xách ô về. Còn đến các sân tiếp xúc với các ban tổ chức địa phương thì ông Miura chỉ biết lắc đầu ngao ngán bởi mỗi nơi một thứ luật mà cũng gọi là bóng đá chuyên nghiệp.

Thời HLV Miura cũng có xuất hiện thứ “văn hóa chửi” nơi kiến trúc thượng tầng nhưng không nặng nề và không dữ dội như bây giờ.

Nghịch lý của bóng đá VN là nhiều người không làm đúng phần việc của mình mà lại có dư quyền để lên án hay mạt sát những người bị xem là làm thuê. Thời điểm này rất cần một tiếng nói đủ trọng lượng hay từ những người có chuyên môn thực thụ. Nhưng có vẻ như sau thất bại của bóng đá nam tại SEA Games 29 thì không ai còn dám đứng lên để nắn cho bộ máy điều hành bóng đá VN đi đúng hướng nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm