Olympic 2020 hoãn gây thiệt hại cho Nhật Bản ra sao?

Các nhà tổ chức Olympic Tokyo đang phải vật lộn với một loạt các câu hỏi chưa có đáp án khi các địa điểm thi đấu đã sẵn sàng và phải làm gì với số lượng vé bị hủy bỏ hoặc đã bán?

Làng vận động viên Olympic chỉ một ngày sau thông tin sẽ hoãn lại một năm đã được cải tạo thành hơn 4.000 căn hộ cao cấp. Hàng chục ngàn phòng khách sạn sẽ cần phải hủy bỏ và đặt lại.

Một góc làng vận động viên Olympic biến thành khu nhà ở thương mại và chưa biết sẽ ra sao sau một năm nữa. Ảnh: AN

Cũng may, thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều nếu Olympic bị hủy, vì theo luật, khi Ủy ban Olympic Thế giới (IOC)  ký hợp đồng đăng cai Olympic và Paralympic với đồng ban tổ chức gồm chính quyền Tokyo và Ủy ban Olympic Nhật Bản, IOC có thể hủy sự kiện này nếu không diễn ra trong năm 2020.

Nhật Bản đặt ra nhiệm vụ chưa từng có khi phải tổ chức lại Thế vận hội Tokyo 2020 sau khi có quyết định hoãn lại một năm bởi đại dịch COVID-19 đang cô lập 1/3 thế giới. Sự kiện gần nhất là nghi lễ rước đuốc Olympic vào ngày 26-3 tại Fukushima cũng bị hoãn dù ngọn lửa đã đưa về từ Hy Lạp vẫn rực cháy. Đồng hồ đếm ngược thời gian Olympic trong thành phố đã chuyển từ hiển thị số ngày sẽ diễn ra, thay vào đó chỉ hiển thị ngày và giờ hôm nay.

“Chúng tôi có cảm giác giống như mất 7 năm để xây dựng trò chơi ghép hình lớn nhất thế giới mà chỉ trục trặc với một mảnh ghép, mọi thứ phải bắt đầu lại nhưng có ít thời gian hơn để kết thúc” - phát ngôn viên của Ủy ban Paralympic quốc tế Craig Spence cho biết.

Đồng hồ đếm ngược ở Fukushima đã hiển thị ngày giờ hiện tại...

... khi Thế vận hội vào mùa hè này chính thức bị hoãn lại. Ảnh: AN

Olympic Tokyo dự tính khai mạc ngày 24-7 cho đến ngày 9-8 vào mùa hè này bây giờ thậm chí còn chưa rõ chính xác khi nào sẽ diễn ra, khi IOC cho biết ngày mới là “sau năm 2020 nhưng không muộn hơn mùa hè năm 2021”.

Như vậy, Nhật Bản đã chính thức khép lại Thế vận hội Tokyo 2020 với ngọn lửa Olympic khởi hành từ Fukushima như là một cơ hội cho thế giới thấy sự hồi phục sau thảm họa động đất lớn gây ra sóng thần và vụ nổ hạt nhân vào năm 2011.

Thế vận hội bốn năm mới diễn ra một lần nhưng lại bị hoãn không phải vì các cuộc tẩy chay, tấn công hay biểu tình khủng bố, mà bởi bị ảnh hưởng của COVID-19 đã giết chết hàng ngàn người cùng hàng loạt cuộc chơi thể thao trên toàn thế giới bị hoãn hoặc hủy bỏ.

Olympic đã sẵn sàng nhưng mọi thứ đều dừng lại vì dịch bệnh COVID-19. Ảnh: AN

IOC đã rất nỗ lực và kiên nhẫn chờ đợi mọi thứ sẽ thuận lợi hơn để tuân thủ lịch trình tổ chức Olympic, nhưng cuối cùng đã phải cúi đầu chấp nhận hoãn vì cần phải bảo vệ sức khỏe của những người tham gia. Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết việc hoãn lại là “bảo vệ cuộc sống của con người", với hơn 11.000 vận động viên cùng 90.000 tình nguyện viên và hàng trăm ngàn quan chức, khán giả đến Nhật từ khắp nơi trên thế giới.

Ngôi sao bơi lội người Mỹ Ryan Lochte cho biết anh thất vọng khi Olympic bị hủy nhưng rất nhẹ nhõm: “Tôi có một chút bực mình vì tôi đã tập luyện cho Olympic với những cảm giác tuyệt vời. Nhưng việc dừng Olympic lớn hơn cố gắng của bản thân tôi rất nhiều, bởi dịch bệnh gây ảnh hưởng đến toàn thế giới”.

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 - cựu Thủ tướng 82 tuổi Yoshiro Mori là người sống sót sau căn bệnh ung thư, đã khẳng định trận chiến với sức khỏe mới quan trọng nhất: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Sức khỏe con người là vốn quý và việc tổ chức Thế vận hội sau đó tốt hơn thời điểm dịch bệnh bùng phát này”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm