Bế mạc SEA Games 29

Pháo hoa rực rỡ không trong được ‘ao làng’

Vẫn lại là màn pháo hoa rực rỡ khắp các khán đài sau khi ngọn đuốc SEA Games 29 tắt đi; vẫn lại là lá cờ của Ủy ban Olympic Đông Nam Á được hạ xuống cùng nghi thức trao cờ và trao quyền đăng cai cho Philippines tổ chức SEA Games 30 - 2019; vẫn lại là những nụ cười xã giao của kẻ thua người thắng và nỗi lo tiếp diễn của các đoàn chuẩn bị cho hai năm tới đến Philippines…

SEA Games cứ đều đặn hai năm một lần và phải thừa nhận rằng độ háo hức của mỗi kỳ SEA Games đang giảm dần ở Đông Nam Á. Bởi ngay khi những nhà tổ chức ngồi lại với nhau để tính số môn thi đấu thì giới chuyên môn đã có thể “đếm cua trong lỗ” và xác định Malaysia sẽ nhất toàn đoàn SEA Games 2017 này. Đơn giản vì những môn thế mạnh của các đoàn khác, đặc biệt là những đoàn có khả năng tranh vị trí số một như Thái Lan đã bị bóp lại rất nhiều ở những nội dung sở trường. Thậm chí ngay cả đoàn Việt Nam, Indonesia, Philippines, Singapore cũng thế, họ bị cắt giảm và bị chèn ép trong cái “dung sai” của “ao làng” Đông Nam Á.

Có lần tôi ngồi với các vị lãnh đạo trong Ủy ban Olympic Việt Nam - những người có tiếng nói trong hội đồng của Ủy ban Olympic Đông Nam Á đề cập về vấn đề tại sao không góp tiếng nói trong việc chống tiêu cực để “ao làng” bớt đục trong mỗi kỳ SEA Games. Đáp lại là những tiếng thở dài và chia sẻ sang góc độ bệnh thành tích và thậm chí là cả tâm sự rằng quốc gia nào cũng bị những căn bệnh riêng và thành tích về thể thao không đơn thuần chỉ là thể thao quốc gia mà còn lan sang sĩ diện của “người lớn” nữa (!?).

Kết thúc một kỳ SEA Games nhiều tranh luận và bực bội của nhiều đoàn bị o ép huy chương. Ảnh: HUY PHẠM

Tạm biệt Malaysia, hẹn hai năm nữa tại Philippines với  nhiều nỗi lo khác. Ảnh: HUY PHẠM

16 năm trước, đêm bế mạc SEA Games 21 - 2001 tại Malaysia, tôi cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, cố nhà báo Đỗ Hóa và nhà báo Hoàng Lâm cùng ngồi ăn tối với nhau sau khi ông Giang thay mặt Việt Nam nhận cờ đăng cai SEA Games 22 - 2003. Ông Giang khi ấy vẫn còn bận nguyên bộ vest trắng nhễ nhại mồ hôi và tâm sự: “Khi tôi lên nhận cờ đăng cai, tôi thấy trưởng đoàn các quốc gia còn lại nhìn mình với ánh mắt đầy thiện cảm. Tôi hiểu cái cảm giác đấy vì tôi đã từng đứng ở vị trí như họ. Cảm giác của những người mong chủ nhà SEA Games tới đừng “ép”, đừng “bóp” các đoàn. Hình như họ chờ đợi điều gì đấy. Thú thật là lúc đó tôi cũng có suy nghĩ nếu mình được quyết thì SEA Games 22 trên đất nước mình sẽ không dùng những chiêu trò như các đoàn khác đã làm…”.

Bữa cơm tối đấy, chúng tôi còn được nghe vị đại diện ngành thể thao Việt Nam nói rất nhiều về một SEA Games sạch đầu tiên ở khu vực.

Hai năm sau SEA Games 2003 tại Việt Nam không có nhiều cảnh phản ứng trọng tài hay chống đối những nhà tổ chức. Tuy nhiên, tất cả quốc gia còn lại đều chấp nhận chủ nhà có những môn “ruột” như vài chục bộ huy chương môn lặn hay các huy chương cầu chinh… Trong đó có những bộ huy chương ở những môn mà ta phải rủ rê thêm hai đoàn bạn cùng tham dự và cùng dạy họ chơi… cho hợp với điều lệ và cũng là để HCV dồn về ta cùng vị trí nhất toàn đoàn giống bao quốc gia đăng cai họ cũng thường nhất.

Đêm qua, pháo hoa rực rỡ ở Kuala Lumpur nhưng nhiều đoàn vẫn ấm ức vì bị mất vàng bởi nhiều điểm đen. Họ nhìn đoàn chủ nhà Malaysia thường đứng thứ tư, thứ năm ở các đại hội trước nhảy vọt lên nhất toàn đoàn và lặng thinh chấp nhận cuộc chơi ở “ao làng” nó thế. Cũng giống SEA Games 22 tại Việt Nam, chủ nhà thu đến 158 HCV trong khi Thái Lan chỉ có 90, còn Malaysia (nhất toàn đoàn hai năm trước) thì rơi xuống hạng năm với 44 HCV, thua cả Philippines.

Vì thế mà vừa qua nghe Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn nói bốn năm nữa SEA Games 31 - 2021 tại Việt Nam, ông sẽ tư vấn cho các cấp chỉ đưa vào những môn thi đấu theo hệ thống Olympic, tôi vui lắm nhưng rồi tự dưng tôi có cảm giác nghi ngờ thế nào. Cái cảm giác có từ một lần hụt hẫng sau đêm bế mạc ở Malaysia 16 năm trước.

29 kỳ SEA Games đã qua có quốc gia nào dám vỗ ngực nói chúng tôi tổ chức một SEA Games sạch, một SEA Games trung thực đúng với tinh thần Olympic?

Tôi chắc chắn là chưa.

Và tôi cũng mong, rất mong bốn năm nữa sẽ có một quốc gia dũng cảm phá vỡ dòng nước đục ở cái “ao làng”...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm