Qua đề án phát triển BĐVN - tầm nhìn 2030: Nói cho sướng miệng!

Bóng đá Việt Nam qua 11 năm chuyên nghiệp chỉ có một lò đào tạo tư nhân của HA Gia Lai - Arsenal JMG ra đời là đúng mô hình phát triển bóng đá trẻ một cách chuyên nghiệp. Với một quốc gia đông dân và có nhiều CLB như Việt Nam, việc tồn tại một mô hình như thế là quá ít. Việc này khiến người hâm mộ nghi ngờ chuyện “mượn đầu heo nấu cháo” chờ thành quả của tư nhân rồi báo cáo lên để kể công.

Nhìn sang những nước Đông Nam Á như Thái Lan, họ có rất nhiều học viện và còn có nhiều hình thức đào tạo khác. Ngày 24-3, LĐBĐ Thái Lan (FAT) còn có kế hoạch đặc biệt là gửi 35 cầu thủ nhí sang CLB MU và Liverpol đào tạo theo một chương trình hợp tác được ký kết trực tiếp với hai CLB nổi tiếng này.

Chương trình đưa 35 cầu thủ nhí sang Anh đào tạo lâu dài trên là sản phẩm từ Ban tiếp thị vận động tài trợ của FAT qua việc đã tìm nguồn từ hãng Honda. Cũng cần biết là FAT nổi tiếng có bộ phận kinh doanh, tiếp thị rất chuyên nghiệp mà rõ nhất là Thai-League rất thành công từ bộ phận này, trong đó có cả việc bán bản quyền truyền hình sang Hàn Quốc.

Qua đề án phát triển BĐVN - tầm nhìn 2030: Nói cho sướng miệng! ảnh 1

Ngoài lứa cầu thủ trẻ của bầu Đức tự làm (ảnh), VFF có gì để gọi là đầu tư cho bóng đá trẻ phát triển ở tương lai? Ảnh: GIA HUY

Hay nhìn sang bóng đá Singapore, với lứa cầu thủ U-16 được êkíp chuyên gia Nhật huấn luyện và sau đó chủ yếu “ăn nằm” ở Nhật để cọ xát lên đến tuổi trưởng thành được xem là một đề án phát triển từ cấp độ bóng đá trẻ.

Riêng Malaysia, ngoài những chuyến du đấu thì hiện nay lứa cầu thủ U-22, U-23 đã có mặt ở Slovakia dự các giải nội địa ở quốc gia này. LĐBĐ Malaysia đã thực hiện việc chuẩn bị cho đội U-23 quốc gia bằng việc chia làm hai nhóm. Nhóm xuất sắc thì đi tập huấn châu Âu dài hạn, nhóm còn lại dự giải vô địch Singapore (S-League) mà hai quốc gia ký kết với nhau việc đưa cầu thủ trẻ của quốc gia mình qua tham dự như một CLB. Thành phần hai nhóm này luôn được đào thải, được hoán đổi và thậm chí bị loại nếu không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe.

Chỉ nhìn Đông Nam Á không thôi, mỗi nước tìm cho mình hướng đi phù hợp với thực tế, trong khi đó bóng đá Việt Nam lâu lâu cứ “hô” một tiếng cho sướng rồi…. chìm xuồng. Thế nên nhìn vào đề án của những nhà làm bóng đá mà nhìn vào mặt bằng bóng đá trẻ và sự đầu tư cho bóng đá trẻ lại thấy lo vì VFF có cả một trung tâm đào tạo trẻ rất lớn mà chẳng có chức năng đào tạo ở đấy. Thay vào đó là tận dụng sản phẩm của các CLB rồi cho đấy là sự phát triển bóng đá trẻ.

Liệu đấy có phải là tầm nhìn phát triển đến 2030 như một khẩu lệnh hô cho sướng?

Không bóng đá trẻ, không bóng đá học đường thì phát triển bóng đá trẻ bằng gì?

Các quốc gia luôn chú trọng phát triển bóng đá trẻ và bóng đá học đường. Ở ta thì trong khi VFF có trung tâm đào tạo trẻ hoành tráng sử dụng đất của Nhà nước và kinh phí FIFA thì lại không có đào tạo trẻ. Thay vào đó có mấy ông bầu máu bóng đá phá rừng cao su để mở lò đào tạo trẻ. Hay có mấy đơn vị chú trọng trẻ như Nghệ An, Đà Nẵng đầu tư bằng tiền địa phương và doanh nghiệp. Ở cấp độ phát triển bóng đá trẻ thì VFF vẫn tính việc “thở” bằng mũi của các CLB mà điển hình là mang tiếng đội U-17 quốc gia thi đấu nhưng tất tần tật là quân của lò bầu Đức.

Một yếu tố quan trọng là bóng đá học đường thì lâu nay liên tịch hay những ký kết phát triển với bóng đá học đường gần như là số không. Bên cạnh đó, phải thừa nhận việc phát triển bóng đá trong học đường mà sân chơi ở các trường, các làng đại học đang bị bóp hẹp đất lại để kinh doanh cho thuê mặt bằng, còn sân bóng có được là thứ xa xỉ thì lấy gì phát triển bóng đá học đường.

Lo cho đề án dựa vào phát triển trẻ mà không có nền tảng phát triển trẻ là ở chỗ đấy.

NG.NGUYÊN

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm