Hàn Quốc, Triều Tiên và chiến dịch cùng đăng cai Olympic

Phía Hàn Quốc đã chính thức gửi thông báo đến Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) trước sự kiện tranh quyền đăng cai sắp diễn ra tại TP Lausanne, Thụy Sĩ.

Phía Triều Tiên sẽ đưa ra dự kiến TP đăng cai vào cuối tuần này vào thời điểm trước hoặc trong cuộc họp của IOC. Nhiều khả năng địa điểm tổ chức sẽ là thủ đô Bình Nhưỡng.

Quyết định đăng cai chung hay việc cùng nhau tham dự Olympic Tokyo 2020 được đưa ra sau hàng loạt cuộc đàm phán liên Triều năm ngoái. Cùng với đó là sự hòa giải xuyên biên giới.

Trong cuộc họp với Ủy ban Olympic Hàn Quốc, Seoul đã loại TP cảng phía Nam Busan. Thị trưởng Seoul Park Won-soon hy vọng “cuộc chạy đua chung” sẽ là cơ hội thúc đẩy và thay đổi số phận của bán đảo Triều Tiên.

Sau sự kiện hai quốc gia chung một lá cờ tại đêm khai mạc ASIAD, Hàn Quốc, Triều Tiên đã tiến đến một bước mới là cùng nhau chạy đua đăng cai Olympic. Thể thao đã gắn kết hòa bình. Ảnh: GETTY IMAGES

Nếu Olympic Seoul 1988 được xem là thế vận hội hòa giải giữa cuộc chiến tranh lạnh Đông-Tây, Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 là nền tảng của hòa bình thì Olympic 2032 được xem như điểm dừng chân cuối để thiết lập nền hòa bình giữa hai quốc gia đã xảy ra nhiều xung đột.

Lần cuối Seoul đăng cai Thế vận hội mùa hè 1988, Bình Nhưỡng đã tẩy chay đại hội. Trong những tháng gần đây, vấn đề ngoại giao đã được chuyển hóa tốt lên giữa hai quốc gia. Căng thẳng vì thế cũng giảm hẳn.

Ở Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cử em gái, bà Kim Yo Jong, đến tham dự. Đội khúc côn cầu trên băng nữ của hai phía bán đảo như một quốc gia thống nhất và được xem như một biểu tượng của đoàn kết, bất chấp kết quả thi đấu không như mong đợi.

Sau Thế vận hội mùa đông, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ba lần gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore.

Tuy nhiên, để cuộc chạy đua đăng cai thành công, Triều Tiên cần được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Để đạt được điều này, Bình Nhưỡng cần có những bước đi vững chắc trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Họ đã chung một lá cờ

Rất nhiều người trên thế giới yêu chuộng hòa bình đã rơi nước mắt khi chứng kiến Hàn Quốc, Triều Tiên dùng chung lá cờ đặc biệt tại lễ khai mạc ASIAD 18 vào đêm 18-8-2018 trên sân vận động Bung Karno, Indonesia. Lá cờ thống nhất mà hai quốc gia Hàn Quốc, Triều Tiên diễu hành tại ASIAD có màu trắng và hình ảnh bán đảo Triều Tiên màu xanh da trời ở giữa. Nối sau lá cờ đấy là hơn 900 VĐV và lãnh đạo thể thao của hai quốc gia đi bên cạnh nhau với nụ cười hạnh phúc trước sự chứng kiến của toàn thế giới.

Được biết việc lựa chọn hai màu trắng, xanh da trời làm chủ đạo của lá cờ thống nhất đấy là biểu tượng cho quyết tâm hòa bình, thống nhất của cả hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên và hình ảnh rất xúc động đó đã được xem là ấn tượng và đẹp nhất của kỳ ASIAD 18.

Đ.TR

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm