Sao không tranh ghế bằng chương trình hành động?

Những ngày qua, người hâm mộ phát ngán vì các chiêu trò trong tranh cử và “chọn ghế” ở VFF xuất phát từ những việc thiếu minh bạch và sai sót từ tiểu ban nhân sự. Việc tranh cử lẽ ra sẽ là một lộ trình rất đáng quan tâm và trân trọng nếu làm đúng và đủ nhưng nay lại bị chính người hâm mộ lo ngại xem rằng có thủ đoạn để “lựa ghế” chọn êkíp.

Rõ nhất là có nhiều việc lẽ ra phải được đưa ra trước Ban Chấp hành (BCH) VFF hay được thông qua từ Thường trực VFF rồi lấy ý kiến trong BCH thì có lúc lại được lách bằng phiếu xin ý kiến qua email. Đáng kể là có những ý kiến quan trọng được gửi vào giờ độc như cuối tuần hoặc cận Tết rồi yêu cầu trả lời ngay và nếu không có ý kiến gì thì xem như là đồng ý (!?).

Chuẩn bị Đại hội VFF khóa VIII, có những chuyện hệ trọng không được biểu quyết tại ban chấp hành như thế này mà dùng chiêu email. Ảnh: QUANG THẮNG

Chính người trong BCH VFF chia sẻ rằng không phải ở BCH ai cũng thường xuyên kiểm tra email. Cũng có người thú nhận là họ không biết có phiếu xin ý kiến gửi vào giờ độc và đề nghị phản hồi gấp cũng thuộc giờ độc. Đó là lý do khiến những người rất gần và có trách nhiệm ở VFF như Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức từng giãy nảy phản ứng với những trò mà ông cho rằng thủ đoạn và thiếu minh bạch.

Thật tiếc khi người hâm mộ phải chứng kiến những kiểu loại người từ vòng gửi xe bằng đòn độc thay vì được hào hứng với kiểu tranh cử truyền thống ở các tổ chức liên đoàn: Đó là những chương trình hành động được công khai và minh bạch; là những lời hứa và lộ trình của những người sẵn sàng ngồi vào những chiếc ghế cao và đầy trách nhiệm ở VFF.

Bốn ông tranh cử vào ghế phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông, chưa thành viên nào có tham luận hay kế hoạch về việc làm gì ở VFF bằng chương trình hành động. Thay vào đó là mỗi ông tìm một kênh riêng kiểu “cài cắm” sẵn rồi tung đòn độc để hạ thủ nhau, làm giảm uy tín của nhau. Cũng có ông muốn lấy chức phó chủ tịch truyền thông đã bêu xấu cả ông phó chủ tịch tài chính đương nhiệm và sẵn sàng “chịu đòn” cho những thành viên đang có thế trong tiểu ban nhân sự…

Hay những thành viên ứng cử vào ghế chủ tịch VFF khóa VIII chưa ai dám nói mình sẽ làm gì, lập lộ trình gì để nâng cấp bóng đá Việt Nam trong bốn năm tại vị. Thay vào đó là mỗi người quan hệ một kênh với các cấp cao hơn, có tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Ngay cả ứng viên duy nhất ở ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính cũng không thiết lập được lịch hoặc “giáo trình” để kiếm tiền, ít ra cũng như ông Lê Hùng Dũng từng tuyên bố mỗi năm mang về cho bóng đá Việt Nam trên 300 tỉ đồng (dù sau này khi đạt được chức vụ, ông Dũng cáo bệnh rồi giao gần hết việc cho người khác và tất nhiên là tiền không kiếm được).

Người hâm mộ và cả giới chuyên môn rất cần những con số thực, những chương trình hành động thực tế để khóa VIII thực sự đổi mới và phát triển thay cho việc nội bộ đấu nhau, tố nhau và thậm thụt kiểu năm ông thường trực thì chỉ ba ông biết với nhau như bầu Đức từng vạch ra.

Cần lắm cuộc đấu ghế bằng những chương trình hành động có chiều sâu và minh bạch thay cho kiểu ném đá giấu tay hay loại nhau bằng chiêu trò.

Thêm đề cử vào vị trí phó chủ tịch tài chính

Sao không tranh ghế bằng chương trình hành động? ảnh 2
Doanh nhân Trần Văn Liêng vừa được đề cử vào ghế phó chủ tịch tài chính. Ảnh: PV

Sau khi bầu Đức vạch ra rất nhiều điểm thiếu minh bạch và đưa ra các đề nghị thì tiểu ban nhân sự VFF “sửa sai” bằng việc gửi thông báo đề cử thêm người đến ngày 31-3. Mới đây, nguyên Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng (Becamex Bình Dương) đã đề cử doanh nhân Trần Văn Liêng vào ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính. Ông Liêng là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ca cao Việt Nam (Vinacacao), chưa đưa ra chương trình hành động nhưng cho biết sẽ tranh cử với mong muốn “mang luồng gió mới” cho lĩnh vực tài chính VFF và huy động nguồn lực xã hội giúp bóng đá Việt Nam phát triển.

Đ.TR

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm